Đại biểu Quốc hội trình sáng kiến lập pháp về Luật Bản dạng giới

Hoài Thu

(Dân trí) - Sau ĐBQH khóa XIII Trần Thị Quốc Khánh với sáng kiến đề nghị xây dựng Luật Hành chính công, ông Nguyễn Anh Trí là đại biểu Quốc hội thứ hai đề xuất sáng kiến lập pháp xây dựng Luật Bản dạng giới.

Sáng 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Một trong những điểm đáng chú ý, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đó là dự án Luật Bản dạng giới.

Tiêu chí để công dân thực hiện quyền chuyển giới

Trình bày đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào 2 dạng giới nam và nữ.

Dự án luật này có 3 chính sách, trong đó khẳng định quyền chuyển đổi giới tính của công dân và đưa ra những tiêu chí để công dân thực hiện quyền này, như: Đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; hôn nhân độc thân; không trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Đại biểu Quốc hội trình sáng kiến lập pháp về Luật Bản dạng giới - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, công dân đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi; có quyền đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện thủ tục công nhận giới tính mới thông qua việc đăng ký thay đổi hộ tịch.

Ngoài ra, dự luật dự kiến có chính sách về quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân.

Từ đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị đưa dự án Luật Bản dạng giới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Theo Ủy ban Pháp luật Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, phạm vi điều chỉnh của dự án luật như đại biểu Quốc hội đề xuất rộng hơn so với định hướng ban hành luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính; nhiều nội dung chính sách có sự giao thoa với chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đang chủ trì nghiên cứu. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đã có tiếp thu, chỉnh lý những góp ý này.

Đại biểu Quốc hội trình sáng kiến lập pháp về Luật Bản dạng giới - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Phạm Thắng).

Nghiên cứu tờ trình mới và hồ sơ, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật cơ bản thống nhất việc đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Ông đề nghị Chính phủ phân công Bộ Y tế, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với đại biểu trong quá trình xây dựng dự án luật.

Dù vậy, Ủy ban Pháp luật cho biết vẫn còn một số ý kiến băn khoăn đây là dự án luật khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, ban hành luật.

"Không nên vì khó, nhạy cảm mà né tránh"

Với đề xuất này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề: "Giờ làm luật này thì Luật Chuyển đổi giới tính có xây dựng nữa không? Hay Bộ Y tế thống nhất với đại biểu để làm một luật thôi?".

Ông Định ghi nhận đại biểu Nguyễn Anh Trí là người có chuyên môn sâu và vấn đề này được nghiên cứu từ lâu. Theo ông, việc đại biểu trình sáng kiến xây dựng luật rất quý, thể hiện sự tâm huyết.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu góp ý để đại biểu hoàn thiện luật và đưa được vào chương trình, đây cũng là điểm nhấn và đóng góp của đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này.

Đại biểu Quốc hội trình sáng kiến lập pháp về Luật Bản dạng giới - 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cùng các cơ quan chuẩn bị thêm Luật Bản dạng giới để trình tại phiên họp sau (Ảnh: Phạm Thắng).

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng ủng hộ đại biểu Quốc hội có sáng kiến lập pháp. Về quan điểm của Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là vấn đề khó, nhạy cảm, ông Cường nêu quan điểm "không nên vì dự án luật khó, nhạy cảm mà né tránh".

Theo ông Cường, vấn đề chuyển giới hiện nay cũng tương đối cởi mở rồi. Nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý sẽ vướng cả về thể chế và thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng ghi nhận đại biểu Nguyễn Anh Trí rất dũng cảm khi trình dự án luật có nội dung nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau. Trên thế giới cũng ít quốc gia có luật này.

Dù Ủy ban Xã hội đã có văn bản góp ý, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng có tiếp thu nhưng theo bà Thúy Anh, việc tiếp thu chỉnh lý còn hạn chế, mới chỉ mang tính nguyên tắc chứ chưa sát với câu hỏi mà các cơ quan nêu ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ và trân trọng đề xuất của đại biểu Quốc hội về việc xây dựng Luật bản dạng giới, song ông cho rằng còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề nghị đại biểu cùng các cơ quan chuẩn bị thêm để trình tại phiên họp sau.