1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hướng giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

(Dân trí) - Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa có Nghị quyết số 01/2020 hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Theo hướng dẫn này, thành viên dòng họ là cá nhân trong dòng họ được xác định theo tập quán phổ biến, được thừa nhận nơi dòng họ tồn tại. Các bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp họ, tên, địa chỉ của thành viên dòng họ.

Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Dòng họ không phải là nguyên đơn. Tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc…) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.

Hướng giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ - 1

(Ảnh minh hoạ).

Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người bị kiện. Bị đơn có thể là thành viên dòng họ hoặc người không phải là thành viên dòng họ nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của dòng họ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm thành viên khác của dòng họ và người không phải là thành viên dòng họ.

Thành viên khác của dòng họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được đương sự đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Được nhập nhiều vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ khi có đủ các điều kiện: Việc nhập để giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật; các yêu cầu khởi kiện cùng liên quan đến tài sản chung của dòng họ; việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Ngoài ra, đối với những vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ mà Tòa án đã thụ lý trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành và đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết này để giải quyết.

Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết này để kháng nghị và xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp kháng nghị theo căn cứ khác.

Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2020. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì các Tòa án, cá nhân, cơ quan, tổ chức phản ánh cho TAND Tối cao thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

Thế Kha