1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Hướng dẫn viên kể chuyện về Bác Hồ khiến du khách nghẹn ngào

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ được hướng dẫn viên Trần Thị Thủy kể lại bằng cả trái tim với chất giọng truyền cảm đã khiến nhiều du khách khi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh khóc nghẹn.

Dạo bước tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (quận Ba Đình, Hà Nội), du khách sẽ đi xuyên suốt thông qua hệ thống trưng bày cố định với những chủ đề đặc biệt.

Bên cạnh mỗi hiện vật, hình ảnh là những chú thích vô cùng chi tiết, giúp du khách cảm thấy thích thú khi tìm hiểu về Bác Hồ. 

Thế hệ trẻ quyết tâm đưa đất nước phát triển hùng mạnh

Trong dòng người đông đúc đến thăm bảo tàng những ngày tháng 5 lịch sử có rất đông các bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước và du khách nước ngoài.

Đọc, ghi nhớ từng thông tin về Bác Hồ, Thùy Linh (19 tuổi, quê Nghệ An) chia sẻ, trước đây em tìm hiểu, biết được các thông tin, kiến thức về Bác Hồ ở trường học, qua Internet.

"Nay em mới được đến bảo tàng để có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ", Thùy Linh chia sẻ.

Khi tìm hiểu, biết thêm về Bác Hồ, Linh luôn tự nhủ bản thân cố gắng học tập để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng hùng mạnh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Hướng dẫn viên kể chuyện về Bác Hồ khiến du khách nghẹn ngào - 1

Thùy Linh chăm chú đọc, ghi nhớ các thông tin về Bác Hồ (Ảnh: Nguyễn Hải).

Những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đầy cảm xúc, được hướng dẫn viên Trần Thị Thủy kể lại bằng cả trái tim và sự tâm huyết với chất giọng truyền cảm đã khiến nhiều du khách khi đến bảo tàng khóc nghẹn vì khâm phục, xúc động, tự hào,...

Đã hơn 5 năm làm công việc thuyết minh cho du khách về Bác Hồ, nhưng mỗi khi thấy khách xúc động, chị cũng nghẹn ngào.

Chị kể, để có thể làm hướng dẫn viên tại bảo tàng phải dành 1 năm để học, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ và cuối cùng là thi kiểm tra. 

Hàng năm, các hướng dẫn viên đều thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về Bác và trải qua một số cuộc kiểm tra khắt khe.

"Ngoài giờ hành chính, chúng tôi sẽ nghiên cứu chuyên sâu, tìm hiểu về từng chuyên đề như Bác Hồ với công an nhân dân, Bác Hồ với quân đội, Bác Hồ với thiếu nhi... để có thể kể cho nhiều tệp du khách.

Ngoài những thông tin đã có ở bảo tàng, các hướng dẫn viên phải học, cập nhật thêm từ sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng", chị Thủy cho biết.

Càng học, tìm hiểu về Bác, chị lại thấy mình càng nhỏ bé và đam mê hơn với công việc nghiên cứu. 

Du khách, hướng dẫn viên rơi nước mắt nghẹn ngào

Đến nay, mặc dù đã dẫn hàng trăm đoàn khách tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhưng khi hướng dẫn khách tại mỗi chủ đề, chị đều vô cùng xúc động và cảm xúc này luôn vẹn nguyên như những ngày đầu.

"Cuộc đời của Bác rất xúc động từ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước đến những ngày cuối đời.

Khi đứng ở không gian trưng bày về những năm tháng cuối đời của Bác, hầu hết du khách và hướng dẫn viên đều rất xúc động, đặc biệt là những đồng bào miền Nam xa xôi đến với bảo tàng. Nhiều lần hướng dẫn viên và du khách đều rơi lệ nghẹn ngào", hướng dẫn viên Trần Thị Thủy tâm sự.

Hướng dẫn viên kể chuyện về Bác Hồ khiến du khách nghẹn ngào - 2

Chị Trần Thị Thủy kể các câu chuyện về Bác Hồ cho du khách (Ảnh: Nguyễn Hải).

Tìm hiểu về cuộc đời của Bác, chị thấy những nghị lực phi thường và một nhân cách cao đẹp. Điều đó luôn hối thúc chị phải sống xứng đáng hơn với những hệ tư tưởng mà Bác đã để lại, xứng đáng với những việc cao đẹp mà Bác đã làm.

Trong những năm làm hướng dẫn viên, một trong những điều khiến chị cảm thấy vui là ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm, tìm hiểu về lịch sử cũng như cuộc đời, sự nghiệp của Bác.

Lúc sinh thời, Bác đặc biệt quan tâm và dành nhiều tình cảm cho thế hệ trẻ. 

Chị mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam sẽ hiểu và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của đất nước", chị chia sẻ.

Hướng dẫn viên kể chuyện về Bác Hồ khiến du khách nghẹn ngào - 3

Mỗi ngày, Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp hàng trăm lượt du khách nước ngoài (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trong 5 năm làm hướng dẫn viên, câu chuyện về đôi bạn trẻ từ miền Nam ra tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, khi được kể những câu chuyện về Bác Hồ họ ôm nhau khóc nức nở đã để lại cho chị nhiều ấn tượng. 

Lần đó vào năm 2023, một nam thanh niên đưa bạn gái từ TPHCM ra tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh.

Khi chị kể về những tháng ngày cuối đời của Bác Hồ bạn nữ đã khóc rất nhiều, khiến bạn nam thanh niên cảm động cũng khóc theo.

"Điều đặc biệt là sau đó bạn nam tâm sự nhà từng ở phố Ngọc Hà (quận Ba Đình, cạnh bảo tàng) nhưng từ bé chưa một lần vào thăm bảo tàng.

Khi lớn lên, có công việc ổn định bạn trai mới dẫn bạn gái ra thăm bảo tàng và hết sức xúc động với những câu chuyện về cuộc đời của Bác. Sau đó, bạn nam hứa hàng năm sẽ đưa các nhân viên của công ty ra tham quan bảo tàng và tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ", chị kể.

Làm công việc tiếp xúc trực tiếp với du khách mọi miền đất nước và cả khách nước ngoài để kể những câu chuyện về Bác Hồ, theo chị Thủy các thuyết minh viên cần hội tụ nhiều yếu tố như trang phục thanh lịch, giọng nói truyền cảm và đặc biệt khả năng ứng biến đối với các đoàn khách khác nhau.

Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tháng 8/1985, khánh thành ngày 19/5/1990 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với khối lượng tài liệu, hiện vật và ảnh tư liệu gốc đồ sộ, quý hiếm, độc bản, Bảo tàng Hồ Chí Minh được xem như một cuốn bách khoa thư về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Bảo tàng là nơi lưu trữ  hơn 17.000 tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung trưng bày chính của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở tầng 3 có diện tích gần 4.000m2, với trên 2.000 tài liệu, hiện vật trưng bày, phản ánh một cách hệ thống cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam và thời đại từ cuối thế kỷ XIX đến nay.

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý".

Với hơn 200 tài liệu, hình ảnh, bài viết và hiện vật, triển lãm giới thiệu 135 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 71 tập thể và 64 cá nhân, được lựa chọn từ hơn 600 gương mặt tiêu biểu trên cả nước. Đó là những con người bình dị nhưng phi thường, đã vượt lên nghịch cảnh, hết lòng vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của đất nước.