1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hùng “xì-tẹc” và những cung đường xăng dầu lậu lớn

Sáng qua 10/4, TAND tỉnh Tiền Giang đã khai mạc phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu qui mô lớn do Trần Thế Hùng (tức Hùng “xì-tẹc”), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Phát, cầm đầu.

Cùng ra tòa với Hùng “xì-tẹc” hôm qua còn có bị cáo Phạm Thị Anh (vợ Hùng) và 24 đồng phạm khác nguyên là cán bộ hải quan và nhân viên kiểm định của các cơ quan kiểm định. Các bị cáo bị xét xử với các tội danh: buôn lậu; đưa hối lộ, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ và quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

 

Đây được xem là vụ án buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay được đưa ra xét xử.

 

Theo hồ sơ vụ án, trước khi trở thành một tay “trùm” buôn lậu xăng dầu, Hùng “xì tẹc” đã từng có bề dày “thành tích” nhiều lần vào tù ra tội với các tội danh khác nhau.

 

Để “thống trị” con đường vận chuyển xăng dầu từ Việt Nam sang Campuchia, Hùng mau chóng bắt “liên lạc” với một đối tượng người Campuchia tên NguonHien. Hùng đã dùng tiền bạc và tài ngoại giao khéo léo để “móc nối” với nhiều cán bộ có thẩm quyền trong ngành hải quan và bộ đội biên phòng như Nguyễn Văn Dũi (nguyên Thượng tá, Trưởng đồn biên phòng Sông Tiền), Phạm Quang Mậu (nguyên Chi cục trưởng hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang)… 

 

Năm 1998, qua gợi ý của NguonHien, Trần Thế Hùng cùng Phạm Quang Mậu đến gặp Nguyễn Văn Dũi bàn bạc việc buôn lậu xăng dầu dưới hình thức tạm nhập tái xuất, nhưng thực tế không tái xuất mà để lại Việt Nam tiêu thụ.

 

Theo thỏa thuận, mỗi tàu xăng dầu buôn lậu trót lọt, Hùng, Mậu, Dũi mỗi người được NguonHien chia 100 triệu đồng. Thực hiện thỏa thuận này, trong 2 năm 1998 1999, Hùng cùng đồng phạm đã buôn lậu 21 chuyến với tổng số xăng là 2.996 tấn (loại A 83) và 9.666 tấn dầu (DO), trị giá gần 22 tỷ đồng.

 

Để thực hiện việc buôn lậu trót lọt, Mậu đã chỉ đạo cho Tô Châu Hoàn là nhân viên đội giám sát quản lý hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương làm thủ tục ký khống vào hồ sơ của Hùng. Sau đó, Mậu ký tên xác nhận khống hàng thực xuất qua cửa khẩu sang Campuchia.

 

Trong thời gian buôn lậu xăng dầu, Hùng đã thuê một số tàu Phương Đông thuộc Công ty Tây Nam – Quân khu 7 do Nguyễn Hữu Dũng làm Giám đốc. Biết Hùng thuê tàu để thực hiện hành vi buôn lậu xăng dầu nên cuối năm 2001, Dũng đến đặt vấn đề với Hùng về việc “hợp tác” làm ăn. 

 

Trong lần này, theo thỏa thuận, Dũi được chia 200 triệu/chuyến, Mậu không yêu cầu chia tiền nhưng được Hùng và Dũng thống nhất cho 100 triệu đồng/chuyến; tiền lời bất chính còn lại Dũng và Hùng sẽ “cưa đôi”.

 

Do số xăng dầu tạm nhập tái xuất phải qua Công ty Savimex (Campuchia) nên để đơn vị này đồng ý, Hùng và Dũng phải “chi phí” 20.000 USD cho mỗi chuyến hàng buôn lậu. 

 

Bằng thủ đoạn này, trong 2 năm 2001-2002, Hùng, Dũng, Dũi, Mậu đã thực hiện trót lọt 24 chuyến tàu với khối lượng tổng cộng là 13.969 tấn xăng loại A 92 và 830 tấn dầu DO, trị giá gần 47 tỷ đồng.

 

Trong giai đoạn này, Dũng, Hùng và Dũi mỗi người được chia 4,8 tỷ đồng. Công ty Savimex được chia 7,2 tỷ đồng.

 

Ngoài việc tự mình thực hiện hành vi buôn lậu, Dũng và Hùng còn cấu kết với Lê Hồng Long, nguyên Phó Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu thuộc Công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển - thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, bơm nước vào tàu chở dầu để tái xuất sang Campuchia, còn dầu thật thì để lại Việt Nam tiêu thụ. Để làm được điều này, Hùng và Dũng đã thông qua  hai là giám định viên Công ty giám định Vinacotrol là Lê Minh Hưng và Lê Minh Phương giúp sức.

 

Ngày 28/3/2002, khi tàu biển Neplinedelima (quốc tịch Malaysia) cập cảng Vũng Tàu để nhận 4.596 tấn dầu DO tái xuất, Hùng điện thoại cho Hưng, Long, Phượng chọn thời điểm thích hợp để điều hành việc bơm nước lên tàu. Với thủ đoạn này, Hùng và đồng phạm đã đánh tráo được 1.500 tấn dầu DO.

 

Tiếp đến, ngày 1/4/2002, tàu biển SR1, quốc tịch Libi cập cảng Vũng Tàu để nhận 3.750 tấn dầu DO tái xuất. Cũng bằng thủ đoạn như lần trước, Hùng, Dũng cùng đồng phạm đã tráo 1.500 tấn dầu DO. Trị giá của 3.000 tấn dầu DO là 8,2 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, Hùng còn trực tiếp bàn bạc với Công ty Savimex làm hồ sơ tái xuất xăng nhưng thực chất là tái xuất dầu DO sang Campuchia. Để thực hiện hành vi này, Hùng chỉ đạo cho các đồng phạm đến cảng Vũng Tàu làm đầy đủ thủ tục tái xuất xăng tạm nhập sang Campuchia, sau đó cho tàu chạy đến kho Tam Bình (thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang) tháo các niêm chì, bơm xăng lên kho và bơm dầu DO xuống tàu bằng với khối lượng xăng tái xuất.

 

Sau đó, Hùng chỉ đạo nhân viên gắn niêm chì lại như cũ rồi cho tàu chạy sang Campuchia qua cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang. Với cách thức này, Hùng đã thực hiện trót lọt gần 2 ngàn tấn xăng.

 

Như vậy, tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện, Hùng đã cùng với các đồng phạm thực hiện trót lọt buôn lậu 27 .000 tấn xăng (A83, A92) và dầu DO, thu lợi bất chính tổng cộng 30,6 tỷ đồng và 60.000USD. 

 

Theo Gia Khang

Vietnamnet