Kỷ niệm Ngày mở đường Trường Sơn:
Hùm dữ cũng sợ oai linh liệt sỹ Trường Sơn
(Dân trí) - “Trong bom đạn chiến tranh tồn tại những câu chuyện phi thường về sức chịu đựng, lòng cảm đảm của con người và cả những câu chuyện đời thường rất kỳ lạ không phải ai cũng trải qua trong đời…”.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác sỹ Lê Văn Đính hồi tưởng về những năm tháng ông và đồng đội đã bám chốt những trọng điểm của chiến trường để thực hiện nhiệm vụ cứu chữa và bảo vệ thương binh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Những ngày gian khổ ấy
Năm 1968-1970 là những năm ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại của địch trên tuyến đường Trường Sơn khi Mỹ tập trung cao độ các loại vũ khí hiện đại nhất, có sức tàn phá mạnh nhất để đánh phá. Lúc đó đội Điều trị 14- Đoàn 559 do bác sỹ Lê Văn Đính làm đội trưởng đang chốt tại xã Hoá Tiến, Minh Hoá, Quảng Bình, gần khu vực trọng điểm cây số 473, đường 15. Lượng thương binh ngày một đông và số anh em hy sinh nằm tại viện Đội điều trị 14 cũng khá nhiều. Có người hy sinh ngay trên đường vận chuyển, có người chết trong quá trình điều trị vì vết thương nặng và có cả những anh em đã hy sinh trên trọng điểm được đơn vị gửi về Đội nhờ khâm liệm, chôn cất.
Bác sỹ Đính chỉ đạo làm một nhà tang lễ bằng gỗ đặt ngay bên bờ suối, lợp lá, không cửa để đảm bảo thông thoáng, vệ sinh. Rừng sát ngay bên nơi đóng quân của Đội điều trị, nên hổ vẫn thỉnh thoảng mò vào bắt trộm gà lợn.
Một buổi tang tảng sáng, nghe tiếng hổ à uôm ngay bên phía nhà tang lễ, sợ hổ đói xông vào tấn công anh em đã hy sinh đang còn nằm bên đó, mọi người vội vàng xách súng chạy sang. Trong nhà tang lễ, đèn dầu leo lét, mùi hương phảnh phất, còn cô y tá trẻ được giao nhiệm vụ trực vẫn đang ngủ gục bên thi thể những người bạn liệt sỹ. Xung quanh nhà xác, dấu chân hổ to gần bằng cái bát vẫn còn chi chít, thậm chí còn nguyên vết mông hổ ngồi ngay sát cửa nhà chừng 1-2 mét.
Hóa ra đêm trước, cô y tá ngồi khóc thương những liệt sỹ trẻ, sau mệt quá, cứ thế ngủ luôn bên trong nhà xác. Con hổ đói mò đến theo hơi người, mùi máu, rồi cứ lượn quanh nhà và ngồi chồm hỗm ở ngoài cửa nhìn vào. Chẳng hiểu vì lý do gì, nó không dám mò vào, cứ loanh quanh như vậy cho đến tang tảng sáng thì kêu vài tiếng rồi chạy vào rừng, cũng chẳng bắt con lợn, con gà nào.
Sau lần đó, hàng đêm, đơn vị phải cử hai người canh hổ tại nhà tang lễ, súng ống chuẩn bị sẵn sàng với mệnh lệnh “không để cho hổ xâm phạm vào xác anh em”. Nhưng thật may, những anh em làm nhiệm vụ gác hổ đã không hề phải nổ phát súng nào. Cho dù, sau đó đã rất nhiều lần, hổ xông vào đơn vị bắt lợn, bắt bê và lượn quanh khu vực nhà tang lễ, nhưng tuyệt nhiên không một con hổ nào dám đặt chân vào trong nhà tang lễ của đơn vị.
Bác sỹ Lê Văn Đính nói: có người thì nói hổ sợ mùi hương, hoặc thấy lạ vì ánh đèn dầu. Nhưng đại đa số anh em trong đội Điều trị 14 đều cho là hổ e sợ oai linh của những người lính trẻ, những người liệt sỹ đã hy sinh thân mình vì nghĩa lớn, vì đất nước.
“Một nửa danh hiệu Anh hùng là của bà xã nhà tôi”
Ở tuổi 78, bác sỹ Lê Văn Đính vẫn rất hóm hỉnh nói như vậy khi nhắc đến danh hiệu Anh hùng LLVT mà ông được Nhà nước trao tặng năm 1976, vì thành tích trong công tác cứu chữa thương binh tại đoàn 559 trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ.
Với một thái độ trìu mến, bác sỹ Đính nói: “Suốt những năm chiến tranh, bà xã nhà tôi một mình ở hậu phương vượt biết bao khó khăn, vất vả, tần tảo nuôi dạy con nhỏ để chồng toàn tâm, toàn ý phục vụ chiến trường. Vừa tản cư tránh chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bà ấy vừa làm vừa học tập nâng cao trình độ, khó khăn đủ điều, nhưng trong những lá thư gửi cho tôi, bà ấy vẫn luôn khuyên nhủ tôi yên tâm công tác. Nếu không có sự đảm đang của bà ấy, tôi cũng khó hoàn thành được những nhiệm vụ nơi tuyến lửa”.
Bác sỹ Lê Văn Đính và bà Bùi Thị Huệ kết hôn năm 1960 và cô con gái đầu lòng ra đời năm 1965, chỉ 15 ngày trước khi bác sỹ Đính lên đường vào chiến trường, nhận nhiệm vụ đội trưởng đội điều trị số 14- đoàn 559.
Suốt trong 10 năm phục vụ công tác chăm sóc, cứu chữa thương bệnh binh tại đoàn 559, chỉ đôi lần bác sỹ Đính được trở về Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới hay bổ túc nâng cao tay nghề phẫu thuật. Mọi chuyện gia đình đều do một tay bà Huệ lo toan. Chính nhờ sự hậu thuẫn và động viên nhiệt tình của người vợ đảm đang nơi hậu phương, bác sỹ Đính đã cùng anh em trong đội điều trị 14 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong công tác cứu chữa thương bệnh binh. 4 năm bác sĩ Đính làm đội trường đội điều trị 14 là 4 năm đội điều trị đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng và một cá nhân là bác sỹ Tạ Lưu được phong anh hùng LLVT, được tặng huy hiệu của Hồ Chủ tịch.
Bác sỹ, Anh hùng LLVT Tạ Lưu đã nói về người đội trưởng cũ của mình của mình như sau: Từ 1966-1975, bác sỹ Đính phục vụ trên tuyến đường vận chuyển chiến lược 559. Bác sỹ Đính đã nhiều lần dũng cảm vượt mọi khó khăn ác liệt, tận tình cứu chữa thương bệnh binh, dẫn đầu đơn vị xông vào nơi địch đang đánh phá để cứu chữa, đưa thương binh về trạm điều trị. Ông đã nhiều ngày đứng mổ liên tục 10 giờ không nghỉ, mổ và cứu sống hàng trăm thương binh có vết thương nặng, hiểm nghèo như đứt nhiều đoạn ruột, vỡ dạ dày gãy nhiều xương sườn, dập phổi, vỡ thận, vỡ sọ, lòi não...
Bác sỹ Đính luôn tạo điều kiện bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho 3 bác sỹ mới ra trường thành những phẫu thuật viên giỏi, 4 y sĩ làm việc được các phẫu thuật như bác sỹ. Bác sỹ Lê Văn Đính là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần phục vụ thương binh, bệnh binh vô điều kiện”.
Bác sỹ, Anh hùng LLVT Lê Văn Đính không nhắc nhiều đến những chiến công, bởi như ông cho rằng những thành tích ông có được là nhờ công lao đóng góp của tất cả các anh chị em trong Đội điều trị 14 và Viện 559 cũng như sự đóng góp thầm lặng và cao cả của người vợ nơi hậu phương.
Ông tâm sự: Tất cả những gì ông đã làm được chỉ là sự cố gắng làm theo những lời dạy của Hồ Chủ tịch “Phải sát bộ đội thì mới cứu được thương binh” và“Người bác sỹ giỏi cũng phải như mẹ hiền”.
Bác sỹ Đính cho hay, ông luôn tâm niệm trong lòng những lời Bác dạy và đó cũng là điều mà ông luôn căn dặn hai cô con gái đang tiếp bước bố mẹ trên con đường là những bác sỹ quân y.
Xuân Khu
TTXVN