1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Huế: Một di tích bị lãng quên

(Dân trí) - Tọa lạc tại số 5 đường Thanh Hải (phường Trường An), chỉ cách trung tâm thành phố Huế khoảng hơn 2 km, nhưng khu nghĩa trang mang tên một nhà thơ, một chí sĩ yêu nước nổi tiếng Phan Bội Châu lại như một đứa con bị bỏ rơi, nằm lẫn trong bóng tre và cỏ dại trong suốt nhiều năm qua.

Điều mà chúng tôi  thấy trước tiên khi lên đến nghĩa trang này là 2 cánh cửa sắt đã rỉ sét đóng im ỉm. Nghĩa trang mà không có một tấm bảng hiệu mà người ta đã khắc ngay trên cái cổng  xi măng dòng chữ “khu nghĩa địa có tên Phan Bội Châu”, và nghĩa trang này cũng chẳng có tường thành bao quanh: một phía là bằng những cây tre cao và những bụi chè tàu , còn phía kia là gồm những loài cây dại khác nhau. Tiếp chúng tôi là một ông già tóc đã bạc trắng. Ông tên Lê Văn Thể, năm nay đã 73 tuổi.

 

Vừa loay hoay pha trà, ông vừa cho biết:  “Nghĩa trang này được cụ Phan Bội Châu thành lập vào năm 1932, đến năm 1934 thì cụ Phan cho lập bia quy ước, trong đó nói rõ: những người an táng nơi đây là những chiến sĩ cách mạng xả thân vì nước, vì đồng bào và những người có cống hiến cho quê hương. Bắt đầu từ năm 1935-1936 thì chỉ có cha tôi và sau đó là tôi trông giữ khu vực mồ mả này. Đã 67 năm tôi gắn bó ở đây rồi”.

 

Huế: Một di tích bị lãng quên - 1

Ông Lê Văn Thể, người đã có 67 năm
gắn bó với nghĩa trang.

 

Từ khi thành lập đến nay, trong khu nghĩa trang với diện tích rộng khoảng 7.000 mét vuông này đã là nơi yên nghỉ của trên 20 nhà tiền bối yêu nước như: Nguyễn Chí Diểu, Lê Bồi, liệt sĩ Lê Tự Nhiên, ông bà Trần Hoành, mặc sĩ Nguyễn Huy Nhu, nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), nữ sử Đạm Phương, nhà thơ Thanh Hải… Nghĩa trang cũng đã được Bộ văn hóa Thông tin cấp bằng chứng nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm vào năm 1990.

 

Thế nhưng khi đến khu di tích này, chúng tôi chỉ bắt gặp  ngoài con đường nhỏ chính là không có cỏ, còn lại khắp nơi dều được bao phủ một lớp cỏ dày, có nơi cỏ còn cao vút quá đầu người. Nhiều ngôi mộ cũng nằm lút trong cỏ. Hầu như những nơi nào không có nền xi măng thì đều bị cỏ” chiếm dụng” không thương tiếc. Trâu bò cũng nương theo những kẽ hở dọc hàng rào tạm bợ mà vào gặm cỏ thản nhiên. Theo quan sát của chúng tôi, thì cũng chỉ có khu vực mộ phần của nhà văn Hải Triều và nữ sử  Đạm Phương là không có cỏ dại.

 

Ông Thể cho biết: Hai ngôi mộ đó sạch là vì thường xuyên có người nhà lên viếng, chứ cả hàng chục năm nay phần thắp hương vào ngày rằm và dọn cỏ sạch sẽ quanh những ngôi mộ khác chủ yếu đều do vợ chồng ông đảm nhiệm. Lâu lâu lắm mới có  đoàn học sinh của trường Phan Sào Nam và trường Nguyễn Chí Diểu lên viếng mộ. Tất cả chi phí thuê nhân công phát quang cỏ toàn bộ khu nghĩa trang đều do vợ chồng ông tự bỏ tiền túi ra, chứ việc trông coi nghĩa trang ông làm không có một đồng lương hay  đồng bồi dưỡng nào.

 

Huế: Một di tích bị lãng quên - 2

Bia quy ước nghĩa trang của cụ Phan Bội Châu.

 

Điều cũng khiến ông Lê Văn Thể trăn trở nhiều nhất lúc này chính là vấn đề “danh chính ngôn thuận”. Bởi vì nơi này đã có hiện tượng một số người dân lấn chiếm đất của nghĩa trang, nhưng ông không thể nói gì được, bởi vì ông có phải là “người nhà nước” đâu.

 

Trong khi việc trông giữ những mộ phần này từ hàng chục năm trước là do cụ Phan ủy nhiệm cho cha của ông, rồi đến ông. “Danh” đã không “chính” rồi thì sao ăn nói được với người ta. Lâu nay, họ cũng chỉ nể ông một chút vì ông cũng từng là  nhà giáo. Chỉ vậy thôi. Ông cũng đã đề xuất  nhà nước chi cho ông một tháng chỉ cần vài trăm ngàn, số tiền đủ để ông thuê khoảng 5 nhân công làm cỏ và chăm sóc khu nghĩa trang thường xuyên hơn, nhưng đến nay tất cả vẫn rơi vào im lặng.

 

Và không biết cho đến bao giờ nghĩa trang mang tên nhà yêu nước Phan Bội Châu mới hết tiếp tục rơi vào sự lãng quên như thế, mặc dù cho đây vẫn đang là một di tích lịch sử cấp quốc gia.  

LTQ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm