1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hủ tục “treo người chết giữa nhà” ở xã nghèo nhất nước

Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Văn Chấn 17 km nhưng để vào đến UBND xã Tà Xi Láng phải mất gần 2 giờ đi xe máy vì con đường độc đạo rất hiểm trở, một bên là vực sâu, một bên là vách đá cheo leo.

Nếu như Trạm Tấu (Yên Bái) là một trong những huyện nghèo nhất nước thì Tà Xi Láng là xã khó khăn nhất của Trạm Tấu. Đồng bào người Mông ở huyện Trạm Tấu cũng như xã Tà Xi Láng còn nhiều phong tục cổ hủ, lạc hậu: phụ nữ, trẻ em khi có người lạ đến nhà là e dè, không dám tiếp xúc; họ không biết tiếng phổ thông, thủ tục ma chay cưới xin còn rườm rà.

 

Không biết từ bao giờ, khi người trong nhà mất, người Mông ở Tà Xi Láng lại tổ chức mổ trâu bò, có nhà tổ chức ăn uống linh đình 4 ngày liên tục, mỗi ngày 3 bữa cỗ. Họ không đưa người chết vào quan tài mà họ treo người chết giữa nhà trong vài ngày, mặc dù thi thể người chết bốc mùi nhưng vẫn cúng cơm.

 

Ông Giàng A Chang, Chủ tịch UBND xã Tà Xi Láng: Từ năm 2010, vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang lễ được đưa vào Nghị quyết HĐND. Tuy nhiên đến nay hủ tục không cho người chết vào quan tài vẫn được đa số người dân duy trì, nhất là đối với những người già trong bản... Chỉ có sự thay đổi nhỏ trong việc không ăn uống linh đình và tổ chức từ 1 - 2 ngày.

 

Trung bình mỗi năm ở Tà Xi Láng có 10 người qua đời, nhưng 3 năm qua chỉ có duy nhất 1 gia đình thực hiện theo nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Vào tháng 11/2011, gia đình ông Trang A Lồng (thôn Tà Đằng) có người chú là Trang Mùa Chinh qua đời do tuổi già. Mới đầu, khi Đảng ủy, Chính quyền xã cử người xuống tuyên truyền vận động, người thân trong gia đình ông Lồng đã phản đối kịch liệt. Sau khi được tuyên truyền, vận động, sau một ngày gia đình cũng đồng ý đưa thi thể người mất vào quan tài và chỉ mổ 1 con trâu làm cơm theo đúng quy ước và hương ước....

 

Anh Trang A Châu, Bí thư Đoàn thanh niên xã, người trực tiếp vận động gia đình ông Lồng cho biết: Lực lượng thanh niên chiếm hơn 30% dân số toàn xã. Xác định đây là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền nên Đoàn thanh niên đều lồng ghép nội dung về xóa bỏ hủ tục trong buổi họp hàng tháng. Khi biết gia đình nào có người chết thì Đoàn thanh niên xã cử các đoàn viên chi đoàn xuống tận nơi, vừa vận động tuyên truyền và giúp đỡ gia đình có người mất...

 

Theo ông Giàng A Chang - Chủ tịch UBND xã, khó khăn để loại bỏ hủ tục này là do hủ tục đã ăn sâu vào tâm tưởng của những người già. Họ nghĩ rằng khi chết mà không được tổ chức như vậy thì sẽ không gặp được tổ tiên, con cháu không bình an...

 

Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền gắn với thực hiện xây dựng đời sống văn hóa mới, đưa vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa...

 

Gia đình có người chết phải báo cáo khai tử rõ ràng với chính quyền địa phương, chôn cất theo quy định tại nghĩa địa, nếu không thực hiện sẽ bị phạt 2 triệu đồng/1 hộ...

 

Mong rằng, hủ tục này sẽ được xóa bỏ để đồng bào Mông nơi đây có một cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

 

Theo Tuấn Anh
 Báo Tin tức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm