Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong

Hoài Thu

(Dân trí) - Tại Hội nghị Ủy hội sông Mekong lần 4, các Thủ tướng, đại diện đối tác đối thoại, đối tác phát triển, sẽ thảo luận về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển lưu vực sông Mekong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Thủ đô Vientiane (Lào).

Trả lời báo chí trước chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng các quốc gia thành viên Ủy hội, đại diện đối tác đối thoại của Ủy hội là Trung Quốc và Myanmar, đối tác phát triển cùng tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực Mekong.

Các Thủ tướng cùng bàn định hướng ưu tiên phát triển khu vực

"Hội nghị được tổ chức 4 năm/lần, bắt đầu từ năm 2010. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự hợp tác Mekong được cam kết và ủng hộ mạnh mẽ từ cấp cao nhất của Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội và các bên liên quan", theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Thành cho biết tại hội nghị, các Thủ tướng sẽ thảo luận về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội đối với sự phát triển của lưu vực Mekong, để cùng định hướng ưu tiên cho sự phát triển bền vững của khu vực.

Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành (Ảnh: Bộ TN&MT).

Lưu vực sông Mekong gồm có 6 quốc gia, trong đó Trung Quốc và Myanmar là hai quốc gia nằm ở thượng nguồn. Tuy nhiên, hai nước này không phải thành viên của Ủy hội mà là đối tác đối thoại. Một lưu vực sông là một thể thống nhất, cần được tất cả quốc gia có chung lưu vực cùng tham gia một cách toàn diện vào việc phát triển, quản lý và bảo vệ lưu vực sông.

Việc này hướng đến mục tiêu đạt được sự hợp lý, công bằng và bền vững trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên toàn lưu vực.

"Sự tham gia của đại diện Trung Quốc và Myanmar tại Hội nghị lần này thể hiện cam kết hợp tác của hai quốc gia đối với sự phát triển tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của toàn lưu vực sông Mekong.

Điều này cũng thể hiện mối quan tâm chung, tầm nhìn chung của tất cả quốc gia ven sông, từ thượng nguồn tới hạ du, về một lưu vực sông thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, bền vững về môi trường và khả năng chống chịu khí hậu", theo nhận định của Thứ trưởng Lê Công Thành.

Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các đối tác phát triển chiến lược, cho thấy sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ lâu dài đối với lưu vực Mekong, giúp Ủy hội trở thành một hình mẫu về một tổ chức lưu vực sông uy tín trên thế giới.

Hoạt động phát triển gia tăng, gây áp lực lên nguồn tài nguyên

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết chủ đề của Hội nghị lần này là "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong".

Theo ông, lưu vực đang đứng trước nhiều thách thức khi hoạt động phát triển xu hướng ngày một gia tăng, gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến cho vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn.

Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong - 2

Một đoạn sông Mekong (Nguồn: luxurycruisemekong.com).

"Việc đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực vì thế trở thành nhiệm vụ cấp bách", ông Thành nói.

Ông lưu ý trong một thế giới biến động, có rất nhiều thay đổi hàng ngày, hàng giờ, Ủy hội không thể mãi đi theo những cách thức trước đây, mà cần phải có thay đổi để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Ủy hội cũng cần có những cải tiến trong nhiều lĩnh vực; đổi mới trong các cơ chế huy động nguồn lực… để phục vụ cho các hoạt động.

Việt Nam nằm ở cuối nguồn sông Mekong, có Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đã và đang phải chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu cùng sự gia tăng khai thác, sử dụng nước trên lưu vực.

Tình trạng thiếu nước trong mùa khô diễn ra thường xuyên hơn, xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn, sâu hơn; tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún có diễn biến ngày càng phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân trong vùng.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, vấn đề mà Việt Nam quan tâm trong hợp tác Mekong và tại Hội nghị lần này là những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi bị tác động, đặc biệt là hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh và những tình huống khẩn cấp khác.

Ông nhấn mạnh các hoạt động sử dụng nước trong lưu vực, cả ở dòng chính và các dòng nhánh, cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy tự nhiên. "Mọi sự phát triển đều hướng tới sự ổn định, an toàn, an ninh của người dân ven sông cho dù ở quốc gia nào", Thứ trưởng Thành nhấn mạnh.

Các Thủ tướng sẽ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 bao gồm nhiều hoạt động.

Trong ngày 2 - 3/4, Hội nghị Khoa học quốc tế diễn ra với hơn 600 nhà khoa học, nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà hoạt động trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới về khoa học, công nghệ, chính sách, thể chế, quản lý về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan.

Hội nghị Bộ trưởng diễn ra ngày 4/4 thảo luận về mối quan tâm của các quốc gia ven sông và cộng đồng quốc tế, thống nhất thông điệp của Hội nghị quốc tế và Hội nghị Bộ trưởng để đệ trình lên các Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra ngày 5/4 - là nơi các Thủ tướng, đại diện đối tác đối thoại, đối tác phát triển thảo luận về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển lưu vực sông Mekong.

Các nhà lãnh đạo cũng trên cơ sở đó chỉ đạo những lĩnh vực cần ưu tiên, giải pháp cần phải thực hiện. Các Thủ tướng sẽ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị - Tuyên bố Vientiane.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị còn có các cuộc họp song phương giữa các Thủ tướng, giữa các Thủ tướng với đối tác và sự kiện bên lề có liên quan.