Quảng Nam:

Hơn 500 bệnh nhân bị nước lũ cô lập

(Dân trí) - Gần trưa nay (7/11), chúng tôi vào đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - nơi hai ngày qua, hơn 500 bệnh nhân cùng với người nhà và đội ngũ y, bác sĩ bị cô lập do nước lũ.

Phải mất gần 1 giờ, PV mới vào được đến nơi dù từ con đường chính từ tuyến tránh thị xã Điện Bàn đến bệnh viện chỉ hơn 1km. Nước vẫn còn cao trên thắt lưng, nhiều đoạn không thể lội bộ được nên nhờ ghe của dân chở đi.

Đường vào bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam
Đường vào bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam

Tại sân bệnh viện sáng 7/11, nước lũ vẫn còn cao gần 1m, nhiều người nhà bệnh nhân lội bộ ra ngoài mua thực phẩm, đồ dùng cho người thân.

Người dân cho biết, đến sáng nay nước rút ra ngoài sân mới xuống mua được chứ tối qua, nước trong nhà vẫn con cao, ở tầng trệt đứng đến trên thắt lưng.

Nước lũ đã rút bớt, người nhà bệnh nhân ra ngoài mua nước, thực phẩm trưa ngày 7/11
Nước lũ đã rút bớt, người nhà bệnh nhân ra ngoài mua nước, thực phẩm trưa ngày 7/11

Bác sĩ Võ Thôi – Trưởng Khoa sản bệnh viện – cho hay, trong đợt lũ này, khoa phải tiến hành 6 ca mổ đẻ, rất may tất cả đều thành công. Đến sáng 7/11, còn 70 sản phụ đang nằm tại khoa.

Khu vực Khoa cấp cứu nước vừa rút ra ngoài
Khu vực Khoa cấp cứu nước vừa rút ra ngoài

Bác sĩ Võ Đôn – Giám đốc Bệnh viện – cho biết, từ trưa Chủ nhật ngày 5/11, nước lũ bắt đầu tràn vào bệnh viện, đến 3 giờ sáng ngày 6/11 thì lũ đạt đỉnh, nhiều nơi trong bệnh viện nước ngập sâu gần 2m; toàn bộ tầng trệt của bệnh viện không thể hoạt động được; ngày cả phòng cấp cứu cũng được di dời lên tầng trên.

Bệnh viện bị nước lũ cô lập

Lũ cao nhưng rút rất chậm, hoạt động cứu chữa bệnh nhân rất khó khăn. Đến sáng nay 7/11, nước lũ đã rút ra sân nhưng vẫn còn cao, xe cấp cứu đỗ ở cầu Vĩnh Điện tránh lũ cách bệnh viện khoảng 300m cũng không thể vào ra được.

Các bệnh nhân được chuyển hết lên tầng trên
Các bệnh nhân được chuyển hết lên tầng trên

Bác sĩ Võ Đôn cho biết, khi nước dâng, điện và nước đã bị cắt nên việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân vô cùng khó khăn. Những trường hợp mổ cấp cứu buộc phải chạy máy nổ, còn những phòng khoa khác đều bị cúp điện hoàn toàn. Theo bác sĩ Đôn, mỗi giờ chạy máy nổ mất 23 lít dầu, đó là chưa kể huy động thêm nhiều máy nổ khi cần thiết.

Máng hứng nước mưa của bệnh viện để phục vụ bệnh nhân
Máng hứng nước mưa của bệnh viện để phục vụ bệnh nhân

Ngoài cúp điện, nước sinh hoạt cũng bị cúp. Đây là nỗi khổ rất lớn của bệnh nhân, người nhà cũng như đội ngũ y bác sĩ ở đây. Một bác sĩ cho biết, do cúp nước nên ông nghĩ ra “chiêu” hứng nước mưa cho người nhà cũng như bệnh nhân rửa ráy, nhưng đến sáng nay, các thùng chứa nước mưa cũng đã cạn vì nhu cầu quá lớn.

Các y bác sĩ tiến hành dọn bùn khi nước lũ vừa rút ra ngoài
Các y bác sĩ tiến hành dọn bùn khi nước lũ vừa rút ra ngoài

Một bệnh nhân cho biết, nước máy lẫn nước mưa đã hết sạch nên phải lội nước ra ngoài mua với giá cao; tuy nhiên, các tiệm tạp hóa gần bệnh viện cũng bị ngập nước nên số lượng bán ra cũng hạn chế và nhu cầu quá lớn nên nước đóng chai cũng hết. Đến chiều ngày 7/11, điện nước ở bệnh viện vẫn chưa được khôi phục.

Bác sĩ Đôn cho biết, hiện nay vẫn còn khoảng 400 bệnh nhân cùng người nhà đang điều trị tại bệnh viện. Do nước lũ chưa rút, điện nước chưa được cung cấp trở lại nên việc chăm sóc y tế cho bệnh nhân rất khó khăn. Tuy nhiên, bệnh viện cũng đã hỗ trợ một phần sữa, thực phẩm cho các bệnh nhân điều trị nội trú tại đây.

“Hiện bệnh nhân điều trị nội trú ở đây rất cần nước sạch, thực phẩm, sữa… Nếu có mạnh thường quân, nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ thì quá tốt cho các bệnh nhân”, bác sĩ Đôn nói.

Công Bính

Dòng sự kiện: Cơn bão số 12