Hơn 400 người mặc cổ phục diễu hành trên phố Hà Nội mừng Tết Ất Tỵ 2025
(Dân trí) - Sáng 19/1, hơn 400 người mặc cổ phục đã diễu hành qua các di tích, danh thắng trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, tạo không khí hân hoan, phấn khởi chào đón Tết Ất Tỵ 2025.
Sáng nay 19/1 (20 Tháng Chạp), hơn 400 người mặc cổ phục đã diễu hành đi qua nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Đây là hoạt động do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức.
"Bách hoa bộ hành" Tết 2025 là một sự kiện văn hóa độc đáo chào đón Xuân Ất Tỵ 2025.
Theo lộ trình, hơn 400 người xuất phát từ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm), mặc cổ phục đi qua các di tích, danh thắng trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm.
Đoàn rước lễ dừng chân trước khu vực Ô Quan Chưởng, di tích mang đậm dấu ấn kinh thành Thăng Long xưa.
Các đoàn múa nghê, múa sênh tiền, múa bồng, hát xoan... biểu diễn tại điểm dừng chân tạo nên bầu không khí náo nhiệt.
Lương Huyền Trang (21 tuổi, đứng giữa) có niềm đam mê, yêu thích với trang phục truyền thống đã tham gia nhiều sự kiện diễu hành trước đó, sáng nay tiếp tục góp mặt trong đoàn diễu hành cổ phục dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Đoàn rước thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân dọc đường, du khách trong và ngoài nước.
Hoạt động sẽ đưa cổ phục Việt đến gần hơn với công chúng, góp phần gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đúng như tên gọi, "Bách hoa bộ hành" được ví như một rừng hoa rực rỡ với hàng trăm bộ trang phục từ các triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn... được trình diễn qua các tuyến phố, tạo nên bức tranh đầy sắc màu của văn hóa Việt.
Không chỉ là một sự kiện văn hóa, "Bách hoa bộ hành" còn mang trong mình hy vọng bảo tồn và phát huy giá trị của cổ phục Việt - một biểu tượng của sự tinh tế, sáng tạo và tài hoa trong nghệ thuật thủ công của dân tộc.
Đoàn diễu hành dừng nghỉ chụp ảnh tại khu vực ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài.
Đoàn kết thúc hành trình diễu hành tạ Đình Kim Ngân (Hàng Bạc). Tại đây diễn ra các hoạt động lễ dâng Thành Hoàng, lễ dựng cây nêu ngày Tết và diễn xướng dân gian mừng Xuân mới (Ảnh: Ngọc Lưu).
Hoạt động viết thư pháp lên một tấm vải đỏ dài với 4 chữ "Kỷ nguyên vươn mình". Tấm vải này sẽ được treo lên cây nêu được đặt trước đình Kim Ngân.
Bốn chữ "Kỷ nguyên vươn mình" với mong muốn một kỷ nguyên mới, trong đó người dân Việt Nam đầy đủ, hạnh phúc, sung túc. Văn hóa đi cùng với hơi thở của dân tộc, tạo nên một bước chuyển mình trong thế hệ mới.