1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hơn 300 ngư dân bị mắc kẹt, cách ly "bất đắc dĩ" trên 70 tàu cá

Quốc Triều

(Dân trí) - Khó khăn về khu cách ly khiến nhiều ngư dân phải ở trên tàu cá suốt nhiều ngày. Sau một thời gian ở trên tàu, các ngư dân lại được yêu cầu cách ly trên chính con tàu của mình.

Hơn một tuần qua, khoảng 70 tàu cá của ngư dân phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) phải neo đậu ngoài cảng Sa Huỳnh. Hơn 300 ngư dân trên tàu chưa được lên bờ do có sự nhùng nhằng về phương án cách ly.

Hơn 300 ngư dân bị mắc kẹt, cách ly bất đắc dĩ trên 70 tàu cá - 1

Hơn 300 ngư dân phải ở trên tàu suốt nhiều ngày nên yêu cầu được cách ly ngay trên chính con tàu của mình.

Theo ngư dân Nguyễn Tính, tàu của ông với 6 thuyền viên về đến cảng Sa Huỳnh đã 10 ngày. Về cảng, tất cả thuyền viên được xét nghiệm SARS-CoV-2 với kết quả âm tính. Dù vậy, ông Tính và các thuyền viên không được về nhà mà phải lên tàu chờ đi cách ly tập trung.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, ông Tính vẫn chưa biết bao giờ mới được lên bờ. "Anh em phải ở trên tàu chờ đợi nhưng chưa biết đến khi nào sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Không biết đến khi nào chúng tôi mới được về nhà", ông Tính nói.

Theo quy định, tất cả ngư dân khi về đến cảng sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Dù có kết quả âm tính những người này vẫn phải đi cách ly tập trung theo quy định. Tuy nhiên, các khu cách ly của phường Phổ Thạnh quá tải khiến ngư dân phải chờ đợi.

Hơn 300 ngư dân bị mắc kẹt, cách ly bất đắc dĩ trên 70 tàu cá - 2

Hàng trăm ngư dân đã về đến cảng, có kết quả xét nghiệm âm tính và phải cách ly "bất đắc dĩ" trên chính tàu cá của mình hơn 10 ngày qua.

So với quy định cách ly tập trung, số ngày ở trên tàu cá của ngư dân đã gần đủ 14 ngày. Do đó, nhiều người đề nghị được tính thời gian ở trên tàu như thời gian đi cách ly tập trung. Tuy nhiên yêu cầu này của ngư dân không được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi chấp nhận.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Lượng - Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh cho biết, hiện các khu cách ly tập trung của địa phương đã quá tải, gây khó khăn cho việc đưa ngư dân đi cách ly theo quy định.

Trước tình hình đó, phường Phổ Thạnh đề nghị bố trí một số khu cách ly tập trung ở các địa phương khác cho ngư dân đang neo đậu tại cảng. Lúc này, nhiều ngư dân lại không đồng ý đi cách ly tập trung.

"Nhiều người ở trên tàu gần đủ 14 ngày, mặt khác ngư dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên kinh tế khó khăn. Bây giờ nếu đi cách ly tập trung họ phải trả thêm chi phí. Với lý do đó nên nhiều người yêu cầu được cách ly tại tàu, tuy nhiên theo quy định thì không được", ông Lượng nói và cho biết, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động ngư dân lên bờ đi cách ly tập trung theo quy định.

Thị xã Đức Phổ là một trong những địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi. Hiện còn hơn 600 tàu cá với hàng nghìn ngư dân vẫn đang đánh bắt trên biển.

"Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động đánh bắt bị ảnh hưởng nặng nên số tàu cá quay về địa phương có thể tiếp tục tăng lên. Do đó, vướng mắc trong việc cách ly ngư dân cần được tháo gỡ để tránh tình trạng tàu cá trở thành nơi cách ly "bất đắc dĩ" của hàng trăm ngư dân.