1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh:

Hơn 30 cán bộ trạm cân bị nợ lương lại có nguy cơ bị cắt bảo hiểm

An Nhiên

(Dân trí) - Gần 1 năm mòn mỏi đợi lương, gửi đơn thư khắp nơi chưa có kết quả, nay hơn 30 cán bộ, nhân viên của Trạm Kiểm tra tải trọng QL 18 (tỉnh Quảng Ninh) lại phải đối mặt với nguy cơ bị cắt bảo hiểm.

Hơn 30 cán bộ trạm cân bị nợ lương lại có nguy cơ bị cắt bảo hiểm - 1

Là một trong những Trạm Kiểm tra tải trọng được thành lập sớm, có vai trò quan trọng nhưng đến nay đã gần 1 năm, hơn 30 cán bộ, nhân viên của Trạm KTTT QL18 (Quảng Ninh) vẫn không có lương

Theo thông tin từ Trạm Kiểm tra tải trọng (KTTT) QL 18, đặt tại phường Đại Yên, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 21/12, đơn vị vẫn chưa nhận được khoản tiền lương bị nợ gần 1 năm nay và đang phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị cắt bảo hiểm nếu không thanh toán khoản nợ với Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

Theo đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Ninh ngày 8/12 đã gửi thông báo "đòi nợ" lần 2 đối với Trạm KTTT QL 18 về số tiền bảo hiểm đơn vị nợ đến thời điểm này là gần 680 triệu đồng.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng yêu cầu, để giải quyết tốt các chế độ Bảo hiểm Xã hội (BHXH), đặc biệt là gia hạn thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) đến năm 2021; đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đề nghị đơn vị nộp hết số tiền nợ trên vào tài khoản chuyên thu của cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh trước ngày 25/12 theo đúng qui định của pháp luật.

Hơn 30 cán bộ trạm cân bị nợ lương lại có nguy cơ bị cắt bảo hiểm - 2

30 người lao động tại trạm cân đối mặt với nguy cơ bị cắt Bảo hiểm Xã hội vì đơn vị nợ tiền

Việc chậm nộp BHXH, BHYT, BHTN, đơn vị phải trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng Bảo hiểm Y tế  mà người lao động đã chi trả trong thời gian người lao động chưa có thẻ BHYT hoặc bị khóa hạn thẻ do đơn vị nợ tiền BHYT từ 30 ngày trở lên (quy định tại Khoản 4, Điều 1, Quyết định 888/QĐ/BHXH ngày 16/7/2018 và Khoản 4. Điều 49 về Xử lý vi phạm của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Bộ, tỉnh "tốn" nhiều văn bản, hơn 30 con người vẫn đợi lương

Như Dân trí đã thông tin, Trạm Kiểm tra tải trọng xe QL18 là một trong 2 Trạm Kiểm tra tải trọng xe lớn nhất Việt Nam được thành lập sớm, có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải, góp phần bảo vệ kết cấu cầu, đường, giảm tải tai nạn giao thông.

Trạm KTTT QL18.jpeg

Bộ và tỉnh đã có rất nhiều văn bản trao đổi nhưng kết quả vẫn không thay đổi

Trạm được tỉnh Quảng Ninh đánh giá là hoạt động hiệu quả, giúp giảm thiểu nhiều nguy cơ đối với xuống cấp của của hệ thống kết cấu hạ tầng do việc vận tải hàng quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh.

Thế nhưng điều đáng nói, hơn 30 cán bộ, nhân viên của Trạm KTTT này đã gần 1 năm nay sống lay lắt trong tình trạng chờ lương.

Nhiều đơn thư đã được gửi đi, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Quảng Ninh cũng đã "tốn" rất nhiều văn bản trao đổi, nhưng đến nay, hơn 30 con người tại đây vẫn cứ mòn mỏi đợi chờ. 

Theo Trạm KTTT QL18, việc nợ lương đã khiến cán bộ, nhân viên tại đây rơi vào tình cảnh khó khăn, hoang mang. Bản thân lãnh đạo trạm để có tiền chi phí, lo việc ăn uống… của hơn 30 con người đã phải tạm ứng, vay ngoài nhiều tháng nay.

Chưa hết, Trạm hiện vẫn còn nợ tiền thuê nhà để làm văn phòng, tiền ăn của một hộ dân, thậm chí do không có tiền thanh toán dẫn đến một thời gian dài bị cắt cả điện lẫn nước, phải dùng nhờ một số đơn vị, hộ dân gần đó.

Một số cán bộ, nhân viên trạm cho biết, mặc dù bị nợ lương dẫn đến cuộc sống khó khăn, phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn, môi trường khắc nghiệt…nhưng tất cả anh em đều động viên nhau làm tốt nhiệm vụ.

"Có điều chúng tôi rất buồn vì cảm giác như bị bỏ rơi, tương lai mờ mịt, có một số anh em đã phải rời trạm vì không trụ được và một số anh em khác ngoài ca trực ở trạm phải chạy taxi, xe ôm… để có thêm thu nhập", một nhân viên của trạm chia sẻ.

Theo tỉnh Quảng Ninh, Trạm kiểm tra tải trọng xe QL18 được thành lập trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, ngày 4/9/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 455/TTG về việc thành lập trạm kiểm tra các loại xe có tải trọng lớn và xe bánh xích trên đường bộ.

Kinh phí hoạt động của Trạm hàng năm do Bộ GTVT cấp kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế đường bộ, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương của Bộ này và đã cấp đến năm 2019.

Tuy nhiên năm 2020, Trạm vẫn chưa được cấp kinh phí và tại văn bản số 10697/BGTVT -TC ngày 23/10/2020 Bộ GTVT đã có ý kiến, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không có thẩm quyền phê duyệt dự toán chi hoạt động thường xuyên của Trạm, do đó Bộ không giao dự toán cho Ngân sách Nhà nước năm 2020 từ nguồn kinh phí do Bộ quản lý, sử dụng để đảm bảo cho hoạt động thường xuyên của Trạm.

Do chưa được cấp kinh phí nên hoạt động của Trạm cũng như đời sống của 34 cán bộ, viên chức, người lao động của Trạm đang gặp rất nhiều khó khăn.