1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Ninh:

Hơn 30 cán bộ, nhân viên trạm cân xe 10 tháng mòn mỏi chờ lương

An Nhiên

(Dân trí) - Là một trong 2 Trạm Kiểm tra tải trọng xe lớn nhất Việt Nam, được xác định có vai trò quan trọng nhưng 10 tháng nay, 32 cán bộ, nhân viên của trạm luôn trong tình trạng mòn mỏi đợi lương.

Hơn 30 cán bộ, nhân viên trạm cân xe 10 tháng mòn mỏi chờ lương - 1

Do trụ sở phải phá dỡ để bàn giao mặt bằng cho dự án nên nhân viên Trạm Kiểm tra tải trọng Quảng Ninh phải làm việc trong điều kiện khó khăn.

Điều kiện làm việc khó khăn

Năm 1993, Trạm Kiểm tra tải trọng (KTTT) Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập bao gồm các lực lượng: Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông (TTGT), Kiểm soát Quân sự (KSQS).

Năm 1996, Trạm chính thức đi vào hoạt động tại Km103+800 /QL18 (phường Đại Yên, TP Hạ Long) và đến năm 2004 tạm dừng hoạt động.

Đến năm 2007, Thủ tướng có văn bản khôi phục hoạt động thí điểm 2 Trạm KTTT xe tại Đồng Nai (Dầu Dây) và Quảng Ninh (Km103+800/QL18).

Trên cơ sở Đề án thí điểm, từ tháng 6/2010, Trạm KTTT Quảng Ninh tái hoạt động với 38 cán bộ, nhân viên thực hiện việc kiểm soát tải trọng trên 7 tuyến quốc lộ tại Quảng Ninh.

Tuy nhiên, khi dự án nâng cấp quốc lộ 18 theo hình thức BOT được thực hiện vào năm 2012, trạm buộc phải tháo dỡ toàn bộ hệ thống cân động dưới mặt đường, chỉ duy trì hệ thống cân tĩnh.

Tiếp đó, đến năm 2016, khi UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho UBND TP Hạ Long thực hiện đầu tư Dự án mở rộng QL 18 thì toàn bộ cơ sở hạ tầng (nhà cửa, trang thiết bị cân) của trạm phải phá dỡ để bàn giao mặt bằng cho dự án.

Ngày 2/10/207, Trạm KTTT di chuyển từ Km 103+800/QL18 về Km 97+050/QL18 (mượn tạm một phần mặt bằng của Trạm thu phí Đại Yên). Thiết bị để phục vụ công tác kiểm tra tải trọng các phương tiện lúc này là 2 cân lưu động do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho mượn.

Theo Trạm KTTT Quảng Ninh, từ năm 2016 đến hết năm 2019, mỗi năm trạm  được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp kinh phí hoạt động từ 3,4 đến 4 tỷ đồng, bao gồm lương và chi phí thường xuyên. 

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, những năm qua mặc dù trong điều kiện vị trí làm việc bị thay đổi nhưng Trạm KTTT Quảng Ninh luôn duy trì hoạt động tốt trong công tác kiểm soát tải trọng xe trên tuyến; luôn là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải trọng; góp phần bảo vệ kết cấu đường, giảm tai nạn giao thông…

Bộ GTVT cũng nhận định, công tác kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc nói chung và trên tuyến QL18 qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng là rất cần thiết nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của mạng lưới đường bộ trong khu vực.

10 tháng đợi lương

Điều đáng nói, mặc dù được đánh giá là quan trọng, làm tốt vai trò… nhưng Trạm KTTT Quảng Ninh từ đầu năm 2010 đến nay chưa được cấp kinh phí hoạt động, 38 cán bộ, nhân viên của Trạm chưa được nhận lương.

Trong khi đó theo phản ánh của trạm thì lãnh đạo trạm đã phải đi vay ngoài để trả tiền thuê nhà phục vụ việc ăn ở cho cán bộ, nhân viên. Riêng tiền lương của cán bộ, nhân viên thì buộc phải chờ đợi.

Theo anh P.V.B., nhân viên của trạm, điều kiện làm việc rất vất vả, nhiều năm nay phải dựng lều ngoài đường để làm việc. "Thời tiết thuận lợi còn đỡ khổ, chứ nắng nóng, gió rét và mưa bão là anh em hứng đủ. Việc 10 tháng nay không có lương khiến anh em trong trạm hoang mang, đời sống khó khăn”, anh B. nói.

Anh Tr.K. cũng là nhân viên Trạm cho biết, đã có 6 anh em trong trạm phải bỏ cuộc, rời trạm tìm việc làm khác. Số anh em trụ lại thì ngày nào cũng mòn mỏi chờ lương mà đến nay vẫn không thấy.

Hơn 30 cán bộ, nhân viên trạm cân xe 10 tháng mòn mỏi chờ lương - 2

Đã 10 tháng nay, 32 cán bộ, nhân viện trạm mòn mỏi đợi lương

Còn anh Ng. H., cán bộ hành chính của trạm cho rằng, việc chậm lương khiến nhân viên hoang mang, nhiều anh em ngoài ca làm đã phải tìm việc làm thêm để có thu nhập lo cho gia đình. “Chúng tôi cũng động viên nhau để làm tốt nhiệm vụ. Nhưng nếu việc không có lương kéo dài thì cũng không biết thế nào”, anh H. chia sẻ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng xác nhận, năm 2020, Dự toán chi của Trạm KTTT QL 18 đã được Tổng cục phê duyệt vào ngày 10/1/2020 là hơn 4 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay khoản kinh phí này chưa được cấp dẫn tới hoạt động của trạm gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Nguyên nhân Trạm KTTT Quảng Ninh chưa được cấp kinh phí theo Bộ GTVT là do Nghị định 09/2020/NĐ-CP ngày 13/1/2020 đã bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về Qũy Bảo trì Đường bộ. Do đó kinh phí duy trì hoạt động của Trạm KTTT Quảng Ninh phải lấy từ nguồn sự nghiệp kinh tế đường bộ 2020 chứ không được lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện nay, các quyết định giao dự toán chi ngân sách năm 2020 nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ của Bộ chưa giao dự toán chi hoạt động thường xuyên của Trạm này. 

Trước thực trạng trên, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, cấp kinh phí hoạt động của Trạm theo dự toán được xây dựng hàng năm bằng nguồn sự nghiệp kinh tế đường bộ Trung ương.

Tuy nhiên, Bộ GTVT  tại văn bản gửi Bộ Tài chính ngày 30/6 cũng chỉ đề nghị Bộ này sớm xem xét hướng dẫn cho Sở GTVT Quảng Ninh thực hiện xử lý nguồn kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của Trạm KTTT trên.

Trong khi, Bộ Tài chính tại văn bản phúc đáp lại cho rằng, Bộ GTVT mới là cơ quan hướng dẫn Sở GTVT Quảng Ninh giải quyết.

Mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại văn bản ngày 25/9 Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị, Bộ GTVT chỉ đạo Vụ Tài chính thuộc bộ này sớm tham mưu để Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài chính sớm giao kinh phí hoạt động KTTT xe năm 2020 cho Sở GTVT Quảng Ninh.

Đồng thời cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh bố trí nguồn kinh phí chi cho Trạm KTTT xe trong trường hợp Bộ Tài chính không đồng ý cấp khoản kinh phí duy trì hoạt động của trạm từ nguồn kinh phí “Sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ Trung ương” (thông qua Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh).

Theo thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh lúc chiều nay (22/10), trước vấn đề trên, các phòng chuyên môn đã phối hợp tham mưu lãnh đạo sở báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Đồng thời, Sở cũng đã chủ trì họp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ để tìm phương án đề xuất tỉnh cấp kinh phí cho trạm. Tuy nhiên hiện vẫn có một số vướng mắc nên các bên thống nhất nghiên cứu sâu thêm và tiếp tục tham mưu lãnh đạo sở.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm