1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Hơn 17ha tôm, cua, cá chết vì nước nhiễm mặn

(Dân trí) - Hơn nửa tháng qua, nhiều diện tích nuôi thả tôm sú, tôm thẻ xen canh cá dìa, cua của người dân các xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) bị chết do bị nguồn nước nhiễm mặn, số còn lại chết vì nhiễm vi rút đốm trắng.

Tôm, cá, cua chết hàng loạt người nuôi tôm trên địa bàn huyện Tuy Phước (Bình Định) lao đao
Tôm, cá, cua chết hàng loạt người nuôi tôm trên địa bàn huyện Tuy Phước (Bình Định) lao đao

Chiều 25/4, ông Phạm Quang Ân - Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện đã có hơn 17ha diện tích tôm nuôi vụ 1 năm 2016 của bà con ngư dân các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn và Phước Thuận bị dịch bệnh chết. Trong đó, trên 10 ha diện tích nuôi tôm bị thân đỏ đốm trắng chết tập trung ở thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận) và thôn Lạc Điền (xã Phước Thắng). Ngoài ra, có hơn 7 ha diện tích nuôi tôm trong vùng nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến bị chết rải rác chứ không chết hàng loạt như tôm bệnh đốm trắng.

Theo ông Ân, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện trong đợt 1 năm 2016 có 971 ha tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa. Trong đó, khoảng 100 ha nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến tôm, xen kẽ cua và cá.

Nói về nguyên nhân tôm, cua, cá bị chết, ông Ân lý giải: “Ngay từ đầu vụ tôm, ngành chức năng đã nhận định tình hình nuôi trồng thủy sản năm nay hết sức phức tạp. Theo lịch thả tôm của tỉnh bắt đầu từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 3, tuy nhiên trong giai đoạn này, thời tiết có những đợt lạnh xen kẽ những đợt nắng nóng làm sốc tôm nuôi, mẫn cảm với dịch bệnh. Thậm chí, cá dìa là loài thích nghi, ít mẫn cảm với môi trường nhất cũng bị chết do độ mặn tăng”.

Theo người dân ở xã Phước Hòa hiện đến 80% diện tích nuôi tôm bị nhiễm mặn chết
Theo người dân ở xã Phước Hòa hiện đến 80% diện tích nuôi tôm bị nhiễm mặn chết

Hiện ngành chức năng huyện Tuy Phước đã phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ nông dân khoanh vùng, xử lý dịch bệnh, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đồng thời khuyến cáo người dân khi phát hiện tôm nuôi bị dịch bệnh, cần phải báo cho cơ quan Thú y để được hỗ trợ các biện pháp phòng dịch bệnh.

Doãn Công