1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hơn 1.500 “ma men” trên toàn quốc bị xử lý vi phạm nồng độ cồn

(Dân trí) - Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an: Sau 5 ngày thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Cục CSGT khẳng định dùng camera ghi lại toàn bộ quá trình kiểm soát để xử lý vi phạm.

Hơn 1.500 “ma men” trên toàn quốc bị xử lý vi phạm nồng độ cồn - 1
CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế sử dụng rượu, bia lái xe

Để Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt đạt được hiệu quả cao nhất, trong những ngày qua, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt ra quân, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT đã tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn của người vi phạm, được dư luận quần chúng nhân dân đồng tình.

Sau 5 ngày thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP, CSGT toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội, TPHCM

Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có hành động, thái độ chống lại cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ.. vẫn còn diễn ra tại một số địa phương.

Cục CSGT đã có công điện chỉ đạo lực lượng CSGT Công an các tỉnh, thành phố tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/NĐ-CP.

Cục CSGT yêu cầu Trưởng phòng CSGT Công an các địa phương tiếp tục tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Khi tổ chức kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, CSGT Công an các địa phương cần lồng ghép kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy; lựa chọn vị trí kiểm soát phù hợp, xác định khu vực “bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, sử dụng cọc tiêu hoặc dây căng khoanh vùng kiểm soát. Dùng camera ghi lại toàn bộ hoạt động kiểm soát để phục vụ việc xử lý vi phạm. 

Cục CSGT cũng đề nghị các địa huy động các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Công an cơ sở phối hợp với lực lượng CSGT kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng, khống chế đưa về trụ sở Công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định. Nếu người vi phạm là Đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức Nhà nước thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.

Theo Cục này, đây là giải pháp quyết liệt để Luật phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đi vào thực tiễn, có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông trong việc nghiêm túc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, thay đổi ý thức, hành vi, nhận thức, thói quen sử dụng rượu, bia; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, văn minh trong đời sống nhân dân.

Như Quỳnh - Minh Hải