1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hà Nội:

Hơn 14 tỷ đồng “bốc hơi” ở Quỹ Tín dụng nhân dân

(Dân trí) - Ngày 15/8, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt 5 bị cáo trong vụ án chiếm đoạt, làm thất thoát hơn 14 tỷ đồng của quỹ tín dụng nhân dân Phương Tú, huyện Ứng Hòa.

Các bị cáo gồm Phạm Thị Hiền (SN 1958, nguyên Giám đốc Quỹ TDND Phương Tú), Lê Thanh Uyển (SN 1980, nguyên thủ quỹ), Hoàng Văn Dâng (SN 1945, nguyên Chủ tịch HĐQT), Lê Khắc Tùng (SN 1952, nguyên kế toán trưởng) và Nguyễn Thế Hiệp (SN 1983, nguyên cán bộ kiểm soát thường trực).

Khi vụ án được phanh phui, đối tượng Phạm Thị Hiền, Lê Thanh Uyển bị cơ quan CSĐT - Công an huyện Ứng Hòa khởi tố về tội “Tham ô tài sản”. Nhưng sau đó, cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với hai đối tượng, chuyển sang tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các đối tượng Hoàng Văn Dâng, Lê Khắc Tùng, Nguyễn Thế Hiệp bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
Hơn 14 tỷ đồng “bốc hơi” ở Quỹ Tín dụng nhân dân - 1
Các bị cáo gây thất thoát hơn 14 tỷ đồng của Quỹ tín dụng.

Quỹ tín dụng nhân dân Phương Tú được thành lập năm 1997. Nguồn vốn hoạt động của quỹ được hình thành từ các khoản vay gồm: tiền của quỹ tín dụng Trung Ương chi nhánh Hà Tây (cũ), tiền của quỹ bảo hiểm tiền gửi, vốn huy động của dân cư và các nguồn vốn khác…

Sau thời gian hoạt động, phát hiện có những dấu hiệu bất thường, ngày 21/9/2009, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra và kiểm kê toàn bộ tài sản trong kho quỹ tiền mặt cũng như các hoạt động của quỹ tín dụng Phương Tú. Qua kiểm tra đã phát hiện số tiền tồn trong quỹ theo như sổ sách gần 1,2 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ có hơn 19 triệu đồng.

Qua kiểm tra sổ sách còn phát hiện 208 trường hợp vay nhưng hồ sơ tín dụng xin vay vốn lưu tại quỹ bị… mất, trong đó 125 hồ sơ mất toàn bộ, còn 83 hồ sơ chỉ có phiếu chi tiền và nhận nợ. Đối chiếu với 208 khách hàng thì tổng số tiền bị thất thoát tại quỹ tín dụng này là hơn 14 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định Phạm Thị Hiền với chức vụ giám đốc của quỹ đã dùng thủ đoạn lập 81 hồ sơ giả tên khách hàng để rút và chiếm đoạt số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Lê Thanh Uyển với chức vụ thủ quỹ đã lập 4 hồ sơ giả để chiếm đoạt gần 800 triệu đồng. Tổng số tiền mà Hiền và Uyển đã chiếm đoạt là hơn 6 tỷ đồng.

Như vậy trong tổng số hơn 14 tỷ đồng của quỹ tín dụng bị “bốc hơi” mới chỉ xác định đối tượng chiếm đoạt là hơn 6 tỷ đồng. Với hơn 8 tỷ đồng còn lại vì do đã mất hồ sơ chứng từ nên CQĐT không đủ căn cứ để xác định trách nhiệm cá nhân. Tổng số tiền thất thoát này được truy cứu trách nhiệm hình sự cho 5 đối tượng là Hiền, Uyển, Hoàng Văn Dâng, Lê Khắc Tùng, Nguyễn Thế Hiệp.

Tại tòa, ngoài số tiền hơn 6 tỷ đồng của quỹ bị chiếm đoạt đủ căn cứ xác định trách nhiệm cá nhân cho bị cáo Hiền và Uyển, thì số tiền hơn 8 tỷ đồng còn lại bị thất thoát, các bị cáo đều đưa lý do để chối bỏ trách nhiệm.

Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Phạm Thị Hiền 20 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, 5 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hình phạt là 25 năm tù.

Bị cáo Lê Thanh Uyển bị tuyên phạt 18 năm 6 tháng tù cũng với 2 tội danh như trên. Các bị cáo Hoàng Văn Dâng, Lê Khắc Tùng, Nguyễn Thế Hiệp cùng bị 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền thất thoát hơn 14 tỷ đồng của quỹ tín dụng.

H.Ngân - T.Nguyên