1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hơn 100.000 hộ KT3 sẽ được nhập hộ khẩu Hà Nội

Từ ngày mai, 15/11, Công an thành phố Hà Nội sẽ đồng loạt triển khai công tác đăng ký hộ khẩu cho người ngoại tỉnh theo Nghị định 108 Chính phủ (ban hành ngày 19/8/2005).

Thượng tá Phạm Văn Phấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (CA TP Hà Nội) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thưa Thượng tá, ai sẽ đủ điều kiện được đăng ký hộ khẩu (ĐKHK) tại Hà Nội? Hà Nội có đưa ra những quy định đặc thù nào không? Thủ tục ĐKHK sẽ được cải cách như thế nào?

Nghị định 108 vừa ban hành có một số nội dung mới theo hướng tạo điều kiện cho nhiều người dân ngoại tỉnh được ĐKHK ở thành phố. Tại điều 11 của Nghị định đã quy định rõ và chi tiết, đồng thời mở rộng khái niệm “nhà ở hợp pháp” trong việc áp dụng để làm hộ khẩu.

Theo đó, khái niệm “nhà ở hợp pháp” hiểu một cách đơn giản là nhà có giấy tờ mua bán hợp lệ chứ không cần thiết phải có “sổ đỏ” như nhiều người vẫn nghĩ.

Đối với nhà được thừa kế, dù chưa hoàn thành thủ tục thừa kế, nhưng có đủ các giấy tờ chứng minh, thì được coi là nhà hợp pháp để ĐKHK.

Điểm mới thứ hai, nếu như trước đây tại điều 12 của Nghị định 51 chỉ đề cập rất chung chung những thành phần được ĐKHK thì ở Nghị định 108 đã cụ thể hoá và mở rộng những thành phần được ĐKHK thường trú tại thành phố.

Đó là tất cả những người có nhà hợp pháp và thời gian cư trú 3 năm liên tục trở lên.

Với những quy định mới về ĐKHK, Hà Nội hiện sẽ có khoảng bao nhiêu hộ dân diện KT3 đủ điều kiện để được ĐKHK, thưa ông?

Thông qua đợt tổng kiểm tra hộ khẩu trên toàn thành phố (từ ngày 10/10 đến 25/10/2005) vừa qua, chúng tôi đã thống kê được khoảng 200 nghìn hộ thuộc diện KT3 đang có nhu cầu ĐKHK tại Hà Nội, nhưng trong số này thì chỉ khoảng trên 100 nghìn hộ đủ các tiêu chuẩn và điều kiện được ĐKHK theo NĐ 108. Số còn lại chưa đủ điều kiện, do không có nhà ở hợp pháp hoặc chưa đủ thời gian cư trú.

Các thành phố lớn thường lấy hộ khẩu như một biện pháp để hạn chế số người nhập cư. Khi thực hiện Nghị định 108, liệu Hà Nội có đưa ra các quy định riêng hay đặc thù nào để hạn chế việc ĐKHK của người dân ngoại tỉnh không?

Thủ đô Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác do sức ép về mật độ dân cư cao, trong khi hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng nổi, nên có những đòi hỏi đặc thù của mình. Nhưng lần này, Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc NĐ 108/CP và Thông tư hướng dẫn số 11 của Bộ Công an. Có nghĩa là Hà Nội không đặt ra một quy định đặc thù riêng nào.

Tất cả những trường hợp có đủ điều kiện theo NĐ 108/CP thì được ĐKHK tại Hà Nội. Theo dự đoán của chúng tôi, thực hiện ĐKHK theo quy định mới, dân số của Hà Nội sẽ tăng.

Bởi với các điều kiện được mở rộng như trong NĐ 108, chắc chắn số người từ các tỉnh về Hà Nội mua nhà và cư trú sẽ tăng hơn so với tốc độ hiện nay.

Điều kiện thời gian cư trú 3 năm trở lên áp dụng cho mọi đối tượng. Riêng đối tượng là công chức chia làm 2 loại: Một là đối tượng nằm trong biên chế Nhà nước và hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước thì được ĐKHK ngay.

Còn đối tượng làm trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước mà có hợp đồng không thời hạn nếu có nhà hợp pháp của mình hoặc thuê nhà của cơ quan quản lý nhà thì cũng được giải quyết ĐKHK ngay.

Nếu không có điều kiện thứ 2 thì phải có thêm điều kiện như đối tượng KT3 (là bao giờ anh có nhà hợp pháp) thì mới được ĐKHK.

Cụ thể, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện Nghị định 108 như thế nào? Có sự cải cách thủ tục hành chính trong ĐKHK cho người dân không, thưa ông?

Để đảm bảo việc ĐKHK theo quy định mới được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao, Công an TP Hà Nội đã cụ thể hoá Thông tư hướng dẫn số 11 của Bộ Công an bằng Kế hoạch 89 (ngày 8/11/2005), về triển khai thực hiện NĐ108/CP.

Theo đó, chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ công an làm công tác hộ khẩu trong toàn thành phố từ quận, huyện đến phường, xã. Tiến hành tuyên truyền rộng rãi và niêm yết công khai các quy định mới để mọi người dân biết.

Tuỳ theo từng nhóm đối tượng được ĐKHK, chúng tôi có quy định thời gian giải quyết và trả kết quả.

Cụ thể, đối với trường hợp trẻ em mới sinh và trường hợp điều chỉnh, thay đổi về nhân khẩu và hộ khẩu thì thời gian giải quyết và trả kết quả tối đa không quá 5 ngày; đối với các trường hợp khác là không quá 10 ngày (không tính ngày nghỉ, ngày lễ).

Về quy trình tiếp nhận hồ sơ cũng có những cải tiến theo hướng giảm thời gian đi lại cho người dân đến ĐKHK. Trước đây, người dân đi ĐKHK tại quận, huyện thì công an quận, huyện thực hiện thẩm định và chuyển về Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội để đề xuất Giám đốc công an thành phố giải quyết.

Nhưng nay thay đổi bằng cách rút gọn lại chỉ còn “một cửa”. Tất cả việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục đều do công an các quận, huyện mà trực tiếp là những cán bộ tiếp dân, còn việc xác minh thì giao cho lực lượng công an khu vực.

“Một cửa” trong việc giải quyết và trả kết quả còn thể hiện ở chỗ, nếu như trước đây nhận hồ sơ rồi mới nghiên cứu và kiểm tra, nhưng bây giờ khi nhận hồ sơ nếu thấy thiếu giấy tờ gì thì yêu cầu bổ sung một lần luôn, đủ mới tiếp nhận nhằm giảm thời gian đi lại cho người dân.

Chúng tôi sẽ quán triệt tinh thần sau: Thứ nhất, làm sao giảm được số lần đi lại của người dân bằng cách tiếp nhận và trả lời cho người dân luôn; Thứ hai, quy định rất ngặt nghèo về thời gian giải quyết và trả kết quả; Thứ ba, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về thủ tục và điều kiện ĐKHK mới.

Đồng thời, yêu cầu công an các quận, huyện phải nắm được số người đủ điều kiện được ĐKHK theo quy định mới, để tăng cường lực lượng thực hiện đúng thời gian quy định của NĐ 108/CP đã ban hành.

Xin cảm ơn ông.

Theo Nguyễn Tú
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm