1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đại học Quốc gia Hà Nội:

Hơn 100 cán bộ, giảng viên tố cáo tiêu cực!

(Dân trí) - Được xếp trong diện chờ phân nhà chính sách, nhưng chờ đến… 10 năm nay, hơn 100 cán bộ, giáo viên Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội vẫn phải sống cảnh tạm bợ, chen chúc. Trong khi đó, có những vị dù đã có nhà rồi vẫn được cấp tiếp, ở không hết đành... bán đi lấy tiền.

Quy hoạch một đằng... thực hiện một nẻo

 

Trong quy hoạch tổng thể mặt bằng trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHNN) đã được ĐH Quốc gia (ĐHQG) phê duyệt, khu tập thể của cán bộ giáo viên bao gồm một khu đất có diện tích 19.500m2.

 

Ngày 23/1/1995, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, ông Phó Đức Chính ký thông báo triển khai việc sắp xếp nhà ở cho cán bộ giảng viên trường ĐH Sư phạm I và ĐHNN.

 

Ngày 30/5/1995 trường ĐHNN đã có quyết định 776 về việc sắp xếp nhà ở cho cán bộ, nhân viên. Quyết định này nêu rõ những tiêu chí của việc sắp xếp nơi ở cho cán bộ, giáo viên trong trường không phân biệt nội trú, ngoại trú; cách tính điểm dựa theo thâm niên công tác và một số điều kiện khác. Những người mới chuyển về công tác sau năm 1989, những người đã có nhà riêng, vợ hoặc chồng đã được cơ quan khác phân đất hoặc phân nhà không nằm trong diện xét.

 

Năm 1997, khi 207 căn nhà cấp 4 trong khuôn viên của trường hoàn tất, cán bộ nội trú thì được giao nhà, còn cán bộ ngoại trú thì phải... chờ, trong khi vẫn còn tới 35 căn hộ và 2.800 m2 đất chưa sử dụng.

 

Theo phản ánh của nhiều cán bộ, giáo viên, trong số 172 người được nhận nhà đợt 1 có rất nhiều người không nằm trong diện được cấp nhà vì về công tác sau năm 1989. Và “trùng hợp” ngẫu nhiên, những người này đa phần là con em, thân quen với các vị lãnh đạo trong trường. Thậm chí có người được Nhà nước phân rồi nhưng vẫn được trường cấp tiếp.

 

Người “ăn” không hết...

 

Xin đừng vô cảm!

 

Chúng tôi rất lo trước thái độ phớt lờ dư luận của Ban lãnh đạo trường ĐHNN bởi từ lâu nay họ biện minh là đang làm, đang giải quyết nhưng thực ra họ cố vin vào những thủ tục hành chính nhằm đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Ngay cả cơ quan chủ quản là ĐHQG cũng lảng tránh trách nhiệm.

 

(Ông Nguyễn Tự Cường, cán bộ giảng dạy khoa Nga)

Đầu năm 1998, với lý do cần có quỹ đất để xây nhà cho cán bộ, giáo viên, lãnh đạo trường ĐHNN đã xin và được UBND thành phố cấp cho hai khu đất ở Vạn Phúc (Cống Vị, Ba Đình) và khu đất trên đường Trần Quốc Hoàn (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy).

 

Tuy nhiên, theo nội dung đơn thư của 123 cán bộ, giảng viên trường ĐHNN, thủ tục phân chia nhà, đất lãnh đạo trường không công khai, không lập Hội đồng phân phối, không quy định tiêu chí, đối tượng mà chỉ có lãnh đạo cùng một số cán bộ làm riêng với nhau.

 

Từ năm 1998 đến nay, tình trạng xây nhà không phép, mua bán nhà đất bất hợp pháp trong khuôn viên trường diễn ra công khai, ồ ạt. Theo phát hiện của quần chúng, những người đi tiên phong trong những sai phạm trên, không ai khác, chính là một số cán bộ lãnh đạo trong trường.

 

Cụ thể, tại khu tập thể ở Cống Vị, một vị nguyên Đảng uỷ viên, nguyên Trưởng phòng tổ chức lấy gấp đôi tiêu chuẩn bình thường là 80m2, rồi bán cho người ngoài một nửa.

 

Một vị khác, nguyên Bí thư Đảng uỷ trường ĐHNN, nguyên Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ ĐHQG Hà Nội đã được Nhà nước phân nhà ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, bán đi thu lợi. Vị hiệu trưởng, Bí thư Đảng uỷ ĐHNN cũng đã có căn hộ ở khu 14B trong trường, nay lại nhận 35m2 không ở mà đem bán...

 

…Kẻ lần chẳng ra

 

“Rộng rãi” với những trường hợp ngoài diện ưu tiên phân phối nhà, nhưng trường ĐHNN lại tỏ ra nghiệt ngã với 123 cán bộ, giáo viên lẽ ra phải được phân nhà ngay từ đợt đầu. Đến nay, tức là hơn 10 năm kể từ khi được “may mắn” lọt vào danh sách được phân nhà, 123 cán bộ này vẫn phải sống cảnh tạm bợ.

 

 

Hơn 100 cán bộ, giảng viên tố cáo tiêu cực! - 1

Th.S Tôn Thị Thu Nguyệt hàng chục
năm nay vẫn phải sống trong
căn phòng chưa đầy 14m2.

Trong số những người bị “bỏ quên” đó, có rất nhiều vị là GS, PGS, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú... có người thậm chí đã “nhắm mắt xuôi tay” trong lúc chờ đợi. Còn thạc sĩ Tôn Thị Thu Nguyệt, giảng viên chính khoa Anh, ĐHNN, ĐHQG Hà Nội, hàng chục năm nay phải sống trong một căn hộ có diện tích vẻn vẹn chưa đầy 14m2, bao gồm cả phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp...

 

Những cán bộ này liên tục gửi đơn đề nghị lãnh đạo nhà trường xem xét, giải quyết, nhưng đáp lại là sự thờ ơ và lãnh đạo trường lại “đẩy” 123 người này ra quận Cầu Giấy. Đến đây, họ nhận được câu trả lời: “Việc này không thuộc thẩm quyền của quận”.

 

Quay trở về trường, những lá đơn của tập thể 123 con người này lại liên tục bị “đá” từ phòng này sang phòng khác.

 

Bà Tôn Thị Thu Nguyệt kể, cũng vì cực chẳng đã, vào một ngày, hơn 30 giảng viên trong nhóm khiếu kiện đã đột ngột gõ cửa vào phòng Giám đốc và những gì họ nhận được là những lời đối đáp lạnh lùng: “Giữa chúng ta sẽ chẳng có kẻ thắng, người bại. Nếu có thắng, chỉ có cơ chế là kẻ thất bại”.

 

Lãnh đạo nhà trường nói gì?

 

PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Luyến - Phó hiệu trưởng của trường xung quanh nội dung đơn thư tố cáo nói trên.

 

Ông Luyến cho biết: “Những vấn đề liên quan đến khu đất làm nhà ở cho cán bộ tại khu Vĩnh Phúc, phường Cống Vị, quận Ba Đình và phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy phải nhìn nhận như sau: Khi đó, một nhóm cán bộ, giảng viên, chủ yếu là cán bộ phòng tổ chức đến cơ quan chức năng của thành phố xin đất với tư cách pháp nhân của trường.

 

Điều này cũng phù hợp với chủ trương chung của thành phố về việc các cơ quan, đơn vị cho mượn tư cách pháp nhân (?). Trong đó, có ba cán bộ đã có đất, có nhà rồi những vẫn được phân chia đất tại khu mới. Điều này đã được nói đi nói lại tại nhiều hội nghị.

 

“Đề nghị Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với các cán bộ, bộ phận liên quan có vi phạm trong việc phân chia nhà đất, biểu dương tinh thần trách nhiệm của cán bộ đã phát hiện vấn đề...”.

 

(Trích: Thông báo Kết luận của Giám đốc ĐHQG Hà Nội về việc giải quyết đơn kiến nghị của một số cán bộ Trường Đại học Ngoại ngữ, 8/12/2005).

Tại Hội nghị Cán bộ công nhân viên chức trường năm 1996, Trường đề ra giải pháp tình thế là ba người đó phải nộp một khoản lệ phí cho trường nhưng Ban Giám hiệu khi đó không nghiêm túc thực hiện (?). Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã phê bình nghiêm khắc điều này” (công văn số 390/CV-TCCB ngày 17/4/2006 của ĐHQG Hà Nội, tức là 10 năm sau khi sai phạm xảy ra - NV)”.

 

Khi chúng tôi hỏi về quan điểm của nhà trường cũng như cá nhân ông Luyến về những nội dung trong đơn thư tố cáo đúng hay sai, ông Luyến không trả lời trực tiếp: “Tôi biết, nguyện vọng của những cán bộ, giảng viên này là mong muốn được phân một chỗ để có thể ở được (?) và đấy cũng là nguyện vọng của nhà trường. Hiện nay, trường rất mong muốn là một cấp nào đó giải quyết...”.

 

Vậy có thể hiểu là nội dung tố cáo của tập thể 123 cán bộ, giảng viên kia là sai hay không, thưa ông? “Tôi nghĩ nguyện vọng, mong muốn đó là hoàn toàn chính đáng, nhà trường đang cố gắng làm”. Sau vài phút ngập ngừng, ông Luyến nói tiếp: “Theo tôi, anh em không nên có suy nghĩ phân biệt nội trú hay ngoại trú”.

 

Nhưng thưa ông, việc 123 cán bộ giảng viên kể trên đặc biệt bất bình là những người có đất, có nhà thì lại tiếp tục được phân đất trong khi họ đã có tên trong danh sách được phân nhà lại phải chờ đợi tới chục năm? Điều này là... có. Những sai lầm của Ban Giám hiệu trường ĐH Ngoại ngữ thời kỳ đó đã bị ĐHQG xem xét, phê bình nghiêm khắc - ông Luyến kết luận.

 

Nhóm PV