Hơn 1 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long bỏ xứ đi lập nghiệp nơi khác
(Dân trí) - Con số đáng báo động trên được TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nêu ra tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020.
Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 nhận định, di dân là câu chuyện nhức nhối của Đồng bằng sông Cửu Long.
Tình trạng di cư của người dân đồng bằng về TPHCM và miền Đông Nam bộ đáng báo động. Kết quả là so với các vùng khác trong cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất và do đó là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0,0% trong giai đoạn 2009 - 2019.
Ông Vũ Thành Tự Anh cho biết, trong số những khó khăn mà khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt đó chính là vấn đề tỷ lệ người dân di cư cao, nhập cư thấp. Trong 10 năm qua (giai đoạn 2009 - 2019), khu vực này là vùng duy nhất của cả nước có tốc độ tăng trưởng dân số là 0%.
"Dân số của 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long gần như không thay đổi trong 10 năm qua. Tốc độ tăng trưởng dân số là 0%. Trong khi đó, hơn 1 triệu dân rời đồng bằng lên TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ sinh sống. Con số này bằng cuộc di dân của 1 tỉnh", ông Vũ Thành Tự Anh nói.
Theo Giám đốc trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, con số hơn 1 triệu dân bỏ xứ đi mưu sinh là đáng báo động. Điều đó cho thấy khu vực đồng bằng sông Cửu Long "đất không còn lành, chim không đậu", kém phát triển, cơ hội việc làm ít nên chuyện người dân bỏ xứ ra đi là xu thế tất yếu.
Ông Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, một vấn đề đáng báo động nữa của vùng sông nước miền Tây chính là tỷ lệ bỏ học nhiều dẫn đến chất lượng nguồn lao động không cao. Nguyên nhân của việc bỏ học không phải vì lười mà vì có đi học cũng không có việc làm khi ra trường.
Một điểm sáng của khu vực này mà báo cáo kinh tế thường niên 2020 nêu ra đó là kết quả giảm nghèo. Trong 2 thập niên trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ mức rất cao là 36,9% (năm 1998) xuống chỉ còn 12,6% (năm 2010) và 5,2% (năm 2016). Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016 - 2019.
Nói về chuyện "một tỉnh di dân ra khỏi đồng bằng trong 10 năm qua", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng đó là... vấn đề rất buồn.
Ông Nghĩa đề nghị cần phải có chính sách, giải pháp hợp lý để người dân ở lại quê hương phát triển kinh tế, đảm bảo sự phát triển của vùng.
TS Vũ Thành Tự Anh thì cho rằng, với lợi thế về tự nhiên, lại có vị trí về địa lý sát TPHCM, nếu phát huy tốt, trong 10 năm tới, đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TPHCM và Đông Nam Bộ, tạo thành tam giác phát triển mạnh.