Hôm nay Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án tối cao tuyên thệ nhậm chức
(Dân trí) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội XV, sáng nay 26/7, Quốc hội bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước. Buổi chiều, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao.
Trước khi bỏ phiếu kín để bầu Chủ tịch nước, đầu buổi sáng, Quốc hội nghe UB Thường vụ báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn đại biểu, báo cáo giải trình, tiếp thu về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ mới (2021-2026). Nhân sự được đề cử là đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước từ tháng 3/2021, sau Hội nghị Trung ương 2. Đến Hội nghị Trung ương 3 diễn ra 2 tuần trước, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất không giới thiệu lại nhân sự để bầu 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt, trong đó có Chủ tịch nước.
Như vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ lần thứ 2 nhậm chức Chủ tịch nước, trong vòng 3 tháng.
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao theo thẩm quyền đã được hiến định.
Nội dung làm việc buổi chiều, trước hết, Quốc hội bỏ phiếu bầu Thủ tướng Chính phủ.
Tương tự như với chức danh Chủ tịch nước, nhân sự đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng cũng không thay đổi so với lần kiện toàn sớm các chức danh lãnh đạo 3 tháng trước. Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính tiếp tục được đề cử để bầu làm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Thủ tướng Chính phủ sau khi được bầu thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội theo quy định.
Tiếp sau đó, Quốc hội bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.
Trong 3 nhân sự này, Phó Chủ tịch nước cũng là một chức danh đã được kiện toàn sớm, Trung ương không giới thiệu lại. Theo đó, có thể hiểu, bà Võ Thị Ánh Xuân tiếp tục được đề cử để bầu giữ chức vụ này.
Vị trí Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, 2 chức danh đứng đầu khối cơ quan tư pháp, chưa được kiện toàn hồi tháng 4 vừa qua. Nhân sự được đề cử cho 2 chức danh lãnh đạo này, theo đó, thuộc nhóm 23 chức danh được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu kỳ này.
Tuy nhiên, các nhân sự được chuẩn bị, "quy hoạch" cho các chức vụ này cũng đã được các cơ quan Trung ương thực hiện qua nhiều quy trình từ trước đó. Cụ thể, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV này, theo cơ cấu, TAND tối cao và VKSND tối cao, mỗi cơ quan được phân bổ một "suất" đại biểu. Và Chánh án đương nhiệm của TAND tối cao - ông Nguyễn Hòa Bình (Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII) là người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại cơ quan này và đã trúng cử. Tương tự, Viện trưởng đương nhiệm của VKSND tối cao - ông Lê Minh Trí (Ủy viên Trung ương Đảng), là người duy nhất được giới thiệu ứng cử thuộc cơ cấu của VKSND tối cao.
Nhiều khả năng, cả 2 lãnh đạo khối cơ quan tư pháp sẽ tiếp tục nhiệm kỳ công tác thứ hai trên cương vị hiện tại.
Sau khi được bầu, theo quy định, Chánh án TAND tối cao cũng thực hiện lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.
Như vậy, trong ngày hôm nay, Quốc hội chứng kiến 3 lễ tuyên thệ nhậm chức của 3 chức danh lãnh đạo: người đứng đầu Nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành pháp và người đứng đầu cơ quan tư pháp.
Nội dung làm việc cuối buổi chiều, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ trình cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, nghe Chánh án TAND tối cao trình đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự thẩm phán TAND tối cao.
Quy trình phê chuẩn các nhân sự thuộc 2 khối cơ quan này để hoàn thiện việc kiện toàn bộ máy các cơ quan nhà nước cho nhiệm kỳ công tác mới sẽ tiếp tục và hoàn thành trong ngày thứ Tư, 28/7, trước khi Quốc hội khép lại chương trình nghị sự kỳ họp thứ nhất.