1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hội thảo khoa học về ngôi chùa phát tích Phật giáo Việt Nam

(Dân trí) - Trong khuôn khổ buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản 2011 tại chùa Phật Tích, hội thảo khoa học “Phật Tích trong tiến trình lịch sử” đã diễn ra hết sức công phu, khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử “độc nhất vô nhị” tại ngôi chùa phát tích Phật giáo Việt Nam.

Buổi hội thảo “Phật Tích trong tiến trình lịch sử” do Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Tôn giáo và Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức thu hút đông các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà sử học hàng đầu quan tâm tham dự: GS. Anh hùng lao động Vũ Khiêu, nhà sử học Lê Văn Lan, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, Hòa thượng - TS. Thích Thanh Đạt, họa sĩ Phan Cẩm Thượng… cùng hàng trăm học giả và nhân dân cùng tham dự.

Được xây dựng hoàn thiện vào năm 1057, chùa Phật Tích gắn với huyền tích “Từ Thức gặp tiên” và tích Phật A Di Đà xuất hiện. Chùa được trùng tu và mở mang rộng dưới thời vua Lê Trung Hưng năm 1686 và được đặt lại tên là Vạn Phúc Tự. Với lịch sử ngàn năm tuổi như vậy, chùa Phật tích được coi là nơi phát tích Phật giáo Việt Nam. 

Hội thảo khoa học về ngôi chùa phát tích Phật giáo Việt Nam - 1

GS. Vũ Khiêu (người đứng bên phải) khẳng định những giá trị văn hóa "độc nhất vô nhị" tại ngôi chùa phát tích Phật giáo Việt Nam tại hội thảo.

Phát biểu mở đầu cho buổi hội thảo, GS. Vũ Khiêu khẳng định: “Chùa Phật Tích là một trong hai công trình kiến trúc Phật giáo lớn cùng tháp Báo Thiên được vua Lý Thánh Tông xây dựng, trùng tu vào năm 1066. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Phật Tích cùng các giá trị văn hóa, Phật giáo đã trường tồn cùng dân tộc và trở thành vùng đất thiêng, là nơi cho nhân dân và các bậc cao tăng cầu nguyện cho quốc thái dân an”.

Về giá trị vô giá của các cổ vật được phát hiện tại chùa Phật Tích năm 2008, TS. Nguyễn Thanh Mai khẳng định: “Những di vật ở chùa Phật Tích như móng tháp, tượng Phật A Di Đà, nhóm tượng linh thú, tượng Kinnari, phù điêu lá đề, phù điêu rồng, tảng kê chân cột… cùng với cuộc khai quật khảo cổ học năm 2008 phát lộ móng ngọn tháp cổ danh tiếng cùng hàng trăm hiện vật thực sự là một phát hiện quan trọng, khai mở nhiều vấn đề nghiên cứu về ngôi chùa Phật Tích”. 

Hội thảo khoa học về ngôi chùa phát tích Phật giáo Việt Nam - 2

Những cổ vật được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ tại chùa Phật Tích năm 2008 và hàng tượng linh thú vô cùng quý giá

Hội thảo khoa học về ngôi chùa phát tích Phật giáo Việt Nam - 3

Tượng phật A Di Đà được khai quật tại chùa Phật Tích được coi là bảo vật Phật giáo vô giá, "độc nhất vô nhị".

Trong bản tham luận về Chùa Phật Tích trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn một lần nữa khẳng định: Các di sản văn hóa, mỹ thuật được ngành khảo cổ khai quật còn lưu lại được xem là bảo vật quốc gia mà khó tìm thấy ở các ngôi chùa khác của Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ này cũng như thế kỷ khác, trong hiện tại và tương lai. “Do đó, những cơ quan có trách nhiệm cần phải trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như Phật giáo Việt Nam”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ mong muốn.
 

Trong một diễn biến khác chào mừng ngày Phật đản - phật lịch 2555, một triển lãm văn hóa Phật giáo Nam Bộ đang diễn ra tại Trung tâm văn hóa Liễu Quán (TP Huế) với 2 nhà sưu tập đến từ miền Nam là Trương Ngọc Tường và Trần Đình Sơn. 114 hiện vật chủ yếu các vật dụng dùng để thờ cúng, lư hương, sách kinh… được chế tạo trong nước bằng chất liệu gốm nâu kết hợp với nền hoa sen trang trí, có niên đại khoảng từ thế kỷ XV-XX, được trưng bày.

Ngoài ra có nhiều vật phẩm được đem về từ Trung Quốc, Tây Tạng, Thái Lan, Nhật Bản… gồm các yếu phẩm chủ yếu là các tượng Quan Thế Âm làm bằng sứ trắng; tượng Phật A Di Đà thép vàng của (Trung Quốc); tượng Phật bằng đồng (Tây Tạng)…

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17/5.

Hội thảo khoa học về ngôi chùa phát tích Phật giáo Việt Nam - 4

Một tượng phật châu Á


Hội thảo khoa học về ngôi chùa phát tích Phật giáo Việt Nam - 5

Pháp lam Phật giáo

Hội thảo khoa học về ngôi chùa phát tích Phật giáo Việt Nam - 6

Tượng Quán Thế Âm.
(Doãn Công - Đại Dương)

Quốc Đô - Anh Thế