1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Câu chuyện Toà án:

Hội thẩm nhân dân: Chuyện không thể cười!

(Dân trí) - Thành viên Hội thẩm nhân dân chiếm số lượng lớn trong Hội đồng xét xử, thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động tố tụng Việt Nam. Tuy nhiên, những vị Hội thẩm "mù" luật mà cũng không đủ năng lực để hiểu thấu tình, đạt lý trước một vụ kiện lại không phải là hiếm.

Không khí phiên toà hết sức căng thẳng. Bị cáo, luật sư, người bị hại đều đề nghị có ý kiến riêng trong khi kim đồng hồ cứ nhích dần đến điểm 11h30’. Chủ toạ phải liên tục nói to: “Bị cáo dừng lại”, “Toà yêu cầu bị hại giữ thái độ bình tĩnh”... Chắc chắn phần thẩm vấn sẽ phải kéo dài sang buổi chiều. Vụ án người điều khiển xe máy vượt quá tốc độ cho phép gây tai nạn dẫn đến hậu quả chết người tưởng chừng đơn giản lại phát sinh quá nhiều tình tiết phức tạp.

 

Gia đình bị hại khiếu nại về công tác điều tra, đưa ra nhiều bằng chứng, lý lẽ chứng tỏ có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Người ta thấy một mình thẩm phán chủ toạ phiên toà xét hỏi, trích bút lục, đối chứng lời khai của các bên tại toà và tại cơ quan điều tra. Hai vị Hội thẩm nhân dân thờ ơ, một người ngả lưng vào phần sau chiếc ghế uy nghi, đen bóng. Một vị chống tay, nhoài người trên bàn xét xử, gương mặt mệt mỏi, thỉng thoảng đưa hai tay vuốt ngược mái tóc bạc trên vầng trán cao rộng, uyên bác để chống lại cơn buồn ngủ. Một cái ngáp dài cố nén làm căng các đường nét trên khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu.

 

Khi được chủ toạ hỏi ý kiến: các vị trong Hội đồng xét xử có hỏi gì thêm... thì lập tức nhận được hai cái lắc đầu thoáng choàng tỉnh khi chưa kịp nghe hết câu hỏi. Kịch bản cũ đã bao lần lặp lại như thế.

 

Hội thẩm nhân dân tham gia phiên toà là những người hoạt động trong các ngành nghề, vị trí xã hội khác nhau: giáo viên, kỹ sư, tổ trưởng dân phố, có hiểu biết pháp luật để đảm bảo tính dân chủ, mang suy nghĩ của quần chúng nhân dân tới chốn pháp đình. Nhưng thực tế là các Hội thẩm nhân dân trình độ hiểu biết pháp luật, nhất là pháp luật tố tụng còn thấp. Nhưng điều đáng trách hơn ở họ là thái độ chai lỳ, dửng dưng, bàng quan với công việc, trách nhiệm của mình. Tham gia phiên toà cho đủ lệ, ngồi vào ghế cho có người chứ không lắng nghe để hiểu, để đồng cảm được với những bức xúc, oan trái, lẽ phải, để có những quyết định trách nhiệm với con người, với pháp luật và với chính lòng mình.

 

Tôi còn mãi ấn tượng về một phiên toà cười ra nước mắt về trình độ và trách nhiệm của một Hội thẩm nhân dân - Toà án cấp huyện. Toà xử một vụ ly hôn. Cả hai bên vợ chồng khăng khăng đổ lỗi cho nhau là nguyên nhân cho gia đình rạn nứt, tan vỡ. Người vợ nói rất nhiều, đầy uất ức, thậm chí cả những lời chì chiết ác khẩu về ông chồng thiếu trách nhiệm với vợ con, gia đình, sớm ngày lô đề, bài bạc. Chủ toạ đang cố giải thích, làm thao tác hoà giải bắt buộc giữa hai vợ chồng nhưng người vợ một mực lắc đầu xin được chia tay. Vị Hội thẩm nhân dân mái tóc điểm bạc, đôi mắt quắc thước dường như không nín nhịn nổi, mặt chợt đỏ gay, tức giận, đập tay xuống bàn, quát lớn: “Chị kia, chị im mồm đi. Nhiều lời, đanh đá như thế nó bỏ là phải”.

 

Những người có mặt trong phiên toà, Hội đồng xét xử chết sững rồi đột ngột bật ra những tiếng cười không nén nổi khắp phòng xử án. Thế là phần hoà giải bất thành, hai bên thuận tình ly hôn. Vị Hội thẩm vẫn điềm nhiên khoan khoái với công sức giúp đẩy việc xét xử kết thúc nhanh chóng.

 

Không biết sau đó, vị Hội thẩm rất “nông dân”, “chân chất” này có còn ngồi ghế hội thẩm trong phiên toà nào nữa không. Chỉ biết sau tiếng cười là nỗi buồn, băn khoăn, day dứt cho hoạt động tố tụng khoa học, dân chủ nước nhà.

 

Phương Thảo