1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Hồi sinh trên vùng rốn lũ

(Dân trí) - Trận lũ lịch sử xảy ra vào cuối tháng 8/2018 khiến nhiều gia đình trên địa bàn huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) rơi vào tình trạng mất hết nhà cửa, tài sản. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm, vùng rốn lũ nơi đây đang từng bước hồi sinh. Những căn nhà mới được mọc lên, đâu đó trên những cánh đồng, chồi xanh đang dần được bao phủ, thay cho màu của bùn đất.

Vực dậy sau lũ dữ

Quan Hóa là huyện miền núi nghèo, cơn lũ vừa qua đã  khiến 858 ngôi nhà trên địa bàn bị ảnh hưởng, đường giao thông bị sạt lở. Mưa lũ cũng làm 232 ha cây trồng bị chết, 656 con gia cầm bị cuốn trôi.

Bà Lê Thị Hảo, trú tại bản Đỏ, xã Phú Thanh cho biết, toàn bộ 7 ngôi nhà gồm nhà ở, xưởng sản xuất lâm sản của gia đình bị sập, gần 200 tấn đũa mới sản xuất cũng bị nước lũ cuốn trôi. Ước tính thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua đối với gia đình bà khoảng 3 tỷ đồng. Tưởng như không thể vực lại sau cơn lũ dữ thế nhưng chính quyền đã hỗ trợ gia đình bà khôi phục sản xuất, dựng lại nhà xưởng.

Hồi sinh trên vùng rốn lũ - Ảnh 1.

Màu xanh trên cánh đồng đang dần thay thế cho màu bùn đất.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mỗi khi nhìn thấy lượng đũa được làm ra chờ ngày cận Tết bán cho các tiểu thương, tôi cũng yên tâm phần nào. Mong muốn lớn nhất của gia đình là trong 10 ngày tới sẽ thu gom đủ tiền hàng để trả lương cho 20 công nhân làm việc tại xưởng có tiền sắm Tết” – bà Hảo hồ hởi cho biết.

Theo ông Cao Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh thì, trận lũ vừa qua đã làm 53 ngôi nhà trên địa bàn xã bị ảnh hưởng, trong đó có 9 nhà bị sập, 6 nhà bị nước lũ cuốn trôi, nhiều diện tích lúa, gia súc gia cầm bị chết, tổng thiệt hại 15 tỷ đồng. “Sau gần 4 tháng, địa phương cơ bản đã khắc phục gần xong hậu quả mưa lũ. Chính quyền xã đã hỗ trợ, vận động người dân tập trung sửa lại nhà, trồng thêm rau màu, ngô, lúa, khoai, mía để có thêm lương thực phục vụ dịp Tết” – ông Nhuận chia sẻ.

Được biết, Cục dự trữ Quốc gia cũng đã cấp 7,5 tấn gạo cho địa phương. Số gạo trên đã được cấp cho các hộ dân bị hư hỏng nhà, mỗi hộ 10 kg để không bị thiếu đói dịp Tết.

Đến nay, huyện Quan Hóa đã đã tiếp đón trên 82 đoàn đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, với tổng số tiền mặt nhận được trên 14 tỷ đồng để hỗ trợ cho huyện, nhân dân khắc phục thiên tai. Tổng số lương thực huyện nhận hỗ trợ và đã cấp phát cho người dân là hơn 57 nghìn kg gạo và hơn 4 nghìn thùng mì tôm; cấp hơn 7 nghìn bộ sách vở,gần 2 nghìn bộ đồ dùng học tập cho học sinh trên toàn huyện. Đặc biệt, đã có 360 nhà được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước từ mức 15 triệu đồng/hộ đến 75 triệu đồng/hộ.

Ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: “Địa phương được cấp 540 tấn gạo, trong đó UBND tỉnh cấp 160 tấn, chương trình cấp gạo bảo vệ rừng hỗ trợ 380 tấn để cấp cho nhân dân vùng lũ. Hiện đã có nhiều gia đình đã sửa và làm mới xong nhà, sẵn sàng đón Tết nguyên đán”.

Niềm vui trong những căn nhà mới

Những ngày này, bà con nhân dân vùng lũ của xã Trung Sơn không khỏi vui mừng trong căn nhà mới được dựng lên từ khu tái định cư nằm ở bản Chiềng.

Sau gần 2 tháng được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự góp công của cán bộ chiến sỹ, hàng chục gia đình ở bản Chiềng, xã Trung Sơn đã có căn nhà mới khang trang.

Hồi sinh trên vùng rốn lũ - Ảnh 2.

Có nhà mới, Tết như đến sớm hơn với bà con vùng lũ.

Niềm vui như được nhân đôi chị Vi Thị Bồn chia sẻ: “Gia đình em trong cơn lũ dữ chỉ kịp thoát thân, tài sản nhà cửa cả đời chắt chiu đều bị nước lũ cuốn đi hết. Sau lũ căn nhà chỉ còn sót lại được mấy chiếc cột chính, cả nhà không dám nghĩ đến Tết này sẽ có nhà để ở.

Nhưng được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chúng em đã được cấp hơn 200 mét vuông đất lên vị trí này, được hỗ trợ nguyên vật liệu. Đặc biệt, có các chú bộ đội, không quản ngày đêm mưa nắng, giúp vợ chồng em hơn 20 ngày, từ san nền, xây móng, dựng cột, che mái”.

Bà Đinh Thị Xúm ở bản Co Me cũng không dấu được niềm phấn khởi: “Nhà mình có nhà mới ăn tết rồi, mấy hôm trước còn được cấp quà, bánh chưng, được bộ đội khám bệnh, dân chúng tôi mừng lắm”.

Hồi sinh trên vùng rốn lũ - Ảnh 3.

Chị Bồn không còn lo lắng vì sau lũ gia đình được hỗ trợ gạo và tiền để làm nhà mới.

Chia tay với nhân dân vũng lũ, chúng tôi cảm thấy ấm lòng từ tình quân - dân, tình nhân ái trong hoạn nạn và sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên vùng đất còn nhiều gian khó. Một mùa xuân thực sự đã về nơi phên dậu phía tây tỉnh Thanh Hóa.

Bình Minh