1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế:

“Hối lộ tình dục” cũng là một dạng quấy rối tình dục

(Dân trí) - “Hối lộ tình dục” là một hình thức quấy rối tình dục “trao đổi” diễn ra khi một người thực hiện hay cố gắng gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, tăng lương… hay các lợi ích khác của người khác ở nơi làm việc để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục”.

“Hối lộ tình dục” cũng là một dạng quấy rối tình dục
Hành vi quấy rối tình dục dưới mức xử lý hình sự còn diễn ra nhiều mà chưa có chế tài để xử lý. (Ảnh minh họa)

Bà Lisa Wong, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về phân biệt đối xử, trao đổi với PV Dân trí về việc nhận diện, tính khả thi của Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Thưa bà, trong môi trường làm việc Á Đông, việc nhận diện các hành vi quấy rối tình dục (QRTD) chưa tới mức độ xử lý hình sự dường như còn mới mẻ?

Nhận định đó không hẳn là đúng. Có thể vấn đề đó mới mẻ đối với Việt Nam nhưng không mới mẻ đối với các quốc gia Á Đông khác. Nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Phillipines, Sri Lanka, Nhật Bản… từ lâu đã đưa vấn đề này vào pháp luật cũng như xây dựng những bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Các bạn có thể thấy rằng trong số những nước đó, nhiều nước còn “truyền thống” hơn Việt Nam nhiều, nhưng họ đã làm được.

Nhiều ý kiến cho rằng tập quán, thói quen của người Việt sẽ cản trở nhiều tới những quy định về QRTD. Do vậy, việc tố giác những hành vi QRTD chưa ở mức xử lý hình sự và việc xử lý sẽ rất khó, thưa bà?

Những quan niệm và thói quen nếu không phù hợp, làm người khác khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường làm việc cần phải thay đổi.

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam trên thực tế đã chủ động đưa nội dung phòng chống QRTD vào chính sách, nội quy tại nơi làm việc từ nhiều năm nay. Họ đã dần thay đổi nhận thức tại nơi làm việc của họ.

Vì vậy, tôi cho rằng việc thay đổi hoàn toàn khả thi. Tuy rằng cần thời gian cho quá trình này.

Bà Lisa Wong, chuyên
gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế về phân biệt đối xử.
Bà Lisa Wong, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế về phân biệt đối xử.

Mọi việc đều cần phải có một sự bắt đầu từ đâu đó, nếu không tình trạng QRTD sẽ mãi mãi là một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam trong nhiều năm nữa. Vì vậy, Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc là một sự khởi đầu tốt.

Về vấn đề tố cáo và xử lý những tố giác này, nhiều nước Á Đông khác, thậm chí còn “truyền thống” hơn Việt Nam, họ đã làm được điều này từ lâu. Vậy tại sao Việt Nam không thể làm được?

Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử này trong môi trường doanh nghiệp sẽ có lợi ích gì?

QRTD tại nơi làm việc là một vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của doanh nghiệp.

Thứ nhất, QRTD tạo ra môi trường làm việc thù địch, không lành mạnh, khiến nạn nhân bị stress, ảnh hưởng đến khả năng lao động của họ. Nhiều người vì thế mà ngại đến chỗ làm, thường xuyên vắng mặt. Điều đó ảnh hưởng đến năng suất lao động của doanh nghiệp. Có những nạn nhân thậm chí không thể chịu được đã xin nghỉ việc, gây biến động nhân sự. Điều đó cũng gây lãng phí chi phí và công sức doanh nghiệp đã bỏ ra để đào tạo cho họ.

Thứ hai, hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và các cuộc đàm phán thương mại tự do đang diễn ra, vấn đề này lại càng quan trọng hơn. Việc đảm bảo thực hiện các quyền con người tại nơi làm việc là một vấn đề mà thế giới rất quan tâm và luôn được đưa vào các cuộc đàm phán thương mại tự do này.

QRTD là một hình thức phân biệt đối xử dựa theo giới, và phân biệt đối xử dựa theo giới vi phạm quyền con người. Bởi vậy, các quốc gia khác, những nước sẽ thông thương với Việt Nam, quan tâm đến việc các hành vi QRTD có được phòng chống ở nơi làm việc hay không.

Nếu doanh nghiệp muốn hội nhập, muốn mở rộng thị trường, họ cần phải nghiêm túc thực hiện việc này. Nếu không, họ sẽ bỏ lỡ những cơ hội quý báu để tăng lợi nhuận.

Thứ ba, việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc hầu như không tiêu tốn chi phí tài chính đối với doanh nghiệp. Họ không phải trả tiền như đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Bộ Quy tắc đã có những hướng dẫn rất rõ ràng, đã có mẫu chính sách, nội quy phòng chống QRTD mà doanh nghiệp có thể áp dụng ngay lập tức ở nơi làm việc của mình. Vậy, điều đó chỉ có tốt hơn cho doanh nghiệp mà họ không mất đi cái gì.

Cuối cùng, hành vi QRTD tại nơi làm việc là hành vi đã bị nghiêm cấm trong Bộ Luật Lao động 2012, và Việt Nam đã cam kết sẽ sớm ra những văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Vậy trước sau gì doanh nghiệp cũng phải thực hiện.

Chẳng phải tốt hơn nếu họ lại là những đơn vị tiên phong trong cuộc chiến này sao?

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Mạnh (thực hiện)