1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xử quấy rối tình dục: Sẽ không còn chuyện “làm gái cho người ta trêu”?

(Dân trí) - Khuyến nghị hàng loạt các hành vi được coi là xâm phạm tình dục ở mức độ nhẹ, Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục mới được các cơ quan chức năng công bố đang làm dư luận "nóng" lên về tính khả thi cũng như ý thức của cộng đồng.

Quấy rối tình dục bằng lời nói (Tranh minh họa).
Quấy rối tình dục bằng lời nói (Tranh minh họa).

Liên quan tới vấn đề trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Nguyên Cường - Nguyên Vụ phó Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), chuyên gia về lĩnh vực bình đẳng giới hiện nay.

Thưa bà, Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) được đưa ra có tính khuyến nghị và chưa mang tính quy phạm pháp luật. Như vậy, điều này liệu tính khả thi?

Vấn đề QRTD lần đầu tiên đã được đề cập đến trong văn bản quy phạm pháp luật là tại Luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, việc nhận diện hành vi QRTD cũng như cách xử lý các hành vi đó chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này rất cần thiết vì sẽ từng bước làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, kiểm chứng các vấn đề của pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Qua đó, vấn đề sẽ dẫn được pháp luật hóa và tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng hơn…

Nhiều người vẫn cho rằng chuyện đùa cợt, đụng chạm nơi công sở hoặc quan niệm “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” đã đi vào đời sống từ rất lâu. Chưa kể Việt Nam từ lâu này đã có hệ thống các ngôn ngữ đa nghĩa, vậy việc xác định QRTD không đơn giản, thưa bà?

Quan niệm về chuyện đùa cợt, đụng chạm đúng là đã tồn tại trong đời sống của con người, nhất là ở khu vực Á Đông từ lâu. Cội nguồn sâu xa của nó là định kiến giới và phân biệt đối xử về giới.

Trong khi đó, theo Hiến pháp 2013 tại Điều 14 đã quy định: “…các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ…”. Điều 26 cũng quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặtNghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”, theo đó các hành vi ấy QRTD có thể coi là các hành vi vi phạm pháp luật.

Có điều cần phải làm cho mọi người nhận diện được hành vi QRTD và hiểu biết được các quy định pháp luật cũng như có chế tài răn đe đủ mạnh thì việc phòng chống này sẽ đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, trong thực tế, không ít người bị và chịu đựng các QRTD, mà không hề nhận được bất kỳ sự bảo vệ. Hơn nữa, nhiều nạn nhân đã bị không ít hậu quả đau lòng từ QRTD, như bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng hiếp, bị ảnh hưởng đến tâm thần, làm giảm sút năng suất lao động, gây ra tai nạn lao động…

Tôi cho rằng đến lúc phải pháp luật hóa vấn đề QRTD, đặc biệt là nghiêm cấm QRTD tại nơi làm việc. Đây là yêu cầu thực tế của cuộc sống và là một khía cạnh của quyền con người phải được tôn trọng và bảo vệ.

Quấy rối tình dục bằng lời nói (Tranh minh họa).
Bà Phạm Nguyên Cường - Nguyên Vụ phó Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), chuyên gia về lĩnh vực bình đẳng giới.

Theo lộ trình của Bộ LĐ-TB&XH, một thông tư liên quan tới QRTD sẽ ra đời vào cuối năm 2016 và một số nội dung QRTD sẽ được bổ sung vào một nghị định xử phạt vi phạm hành chính vào năm 2017. Theo bà, việc này có thực tế không, vì như chúng ta đều biết quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã áp dụng nhưng cũng không khả thi?

Như trên đã nói, việc đưa vấn đề QRTD vào một văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết, đáp ứng các nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, cũng như việc xử phạt hút thuốc lá ở nơi công cộng hay không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và lớn hơn là các vấn đề về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu… vấn đề nhận biết và xử phạt các hành vi QRTD cũng cần có thời gian để thay đổi, nâng cao nhận thức, có hiểu biết và thực hiện đúng các quy chuẩn đạo đức cũng như quy định pháp luật.

Với tâm lý người Á Đông, việc tố cáo những hành vi này thực sự là điều khó? Chưa kể việc đã phát hiện thì cơ chế xử lý sẽ ra sao?

Khi chưa đưa Bộ Quy tắc ứng xử này vào thực tế thì thật khó để có câu trả lời. Nhưng thực tế, trước khi Bộ Quy tắc ứng xử này được ký kết, một tài liệu tương tự là cuốn Hướng dẫn phòng chống quấy rối tình dục đã được VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- PV) ban hành.

Khi tài liệu này được đưa vào thử áp dụng tại một số doanh nghiệp, câu trả lời rõ ràng là việc quấy rối tình dục hiển diện khá nhiều, gây ra nhiều hậu quả và cần phải có biện pháp phòng chống.

Đồng thời những biện pháp phòng chống được đề cập trong tài liệu này cũng đã phát huy tác dụng nhất định. Vì thế khi chưa có chế tài pháp luật, cơ chế xử lý thì sẽ là các quy định, ràng buộc của các nội quy và chính sách trong mỗi doanh nghiệp…

Mặt khác việc phòng chống QRTD tại mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan cũng sẽ là một yếu tố của văn hóa của doanh nghiệp hay tổ chức, cơ quan…

Hướng tác động của Bộ Quy tắc nhằm vào khu vực doanh nghiệp, theo bà điều này thực sự có tạo nên sự tuân thủ hay không?

Mức độ tuân thủ những khuyến nghị về chống QRTD ở khu vực doanh nghiệp phải chờ vào được thực tế trả lời. Về quan điểm cá nhân, tôi tin là Bộ Quy tắc sẽ được áp dụng và tuân thủ có hiệu quả.

Bởi lợi ích của việc tuân thủ ấy là tạo ra môi trường làm việc an toàn, có năng suất và nhất là bảo vệ và tôn trọng người lao động ở mọi khía cạnh trong quá trình lao động sản xuất.

Khi các biện pháp phòng chống QRTD được thể hiện trong hệ thống chính sách của doanh nghiệp, điều này cũng chứng tỏ các biện pháp thể hiện sự tuân thủ Bộ Quy tắc này.

Tóm lại, việc triển khai thực hiện phòng chống QRTD mà bước đầu là ban hành Bộ Quy tắc ứng xử này và theo lộ trình tiếp là đưa vào văn bản quy phạm pháp luật chính là việc chúng ta đang từng bước thực hiện tốt hơn các quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng giới ở một khía cạnh khá cụ thể.

Thông qua đó tạo ra môi trường lao động hài hòa lành mạnh, có năng suất chất lượng, công bằng bình đẳng cho mọi người lao động cũng như mỗi cá nhân trong doanh nghiệp hay cơ quan, tổ chức.

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Mạnh (thực hiện)