1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hội An trong hệ thống thương cảng Việt Nam và khu vực

(Dân trí) - Nhận diện vai trò của Hội An trong hệ thống thương cảng Việt Nam và khu vực để miền đất dung dị, bình yên và quyến rũ Hội An vừa giữ được bản sắc độc đáo của mình, vừa có bước phát triển bền vững trên những chặng đường sắp tới.

Sáng 12/7, tại TP Hội An đã diễn ra Hội thảo khoa học: “Giao lưu văn hóa tại các thương cảng quốc tế thời trung đại ở Việt Nam và Đông Nam Á” do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phối hợp cùng Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM và Viện Social Life tổ chức.

Hội thảo về thương cảng Hội An một thời

Hội thảo quốc tế “Giao lưu văn hóa tại các thương cảng quốc tế thời trung đại ở Việt Nam và Đông Nam Á” tổ chức sáng 12/7 tại TP Hội An

Hội thảo không chỉ là diễn đàn để trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất, mà còn là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng chung ý tưởng nghiên cứu có thể gặp gỡ và kết nối, thiết lập và mở rộng quan hệ để xúc tiến những dự án nghiên cứu ở quy mô lớn hơn trong tương lai.

Nói cách khác, hội thảo sẽ là bước khởi đầu, “cú hích” cho những chương trình nghiên cứu toàn diện về thương cảng Việt Nam và khu vực xuyên suốt các thời kỳ lịch sử, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học chuyên sâu về lĩnh vực này.

Hội thảo về thương cảng Hội An một thời

Hội An từng là thương cảng nổi tiếng một thời, nơi giao thương hàng hóa - văn hóa với nhiều quốc gia trên thế giới

TS. Lê Hữu Phước - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP Hồ Chí Minh khái quát, thế kỷ XIX được gọi là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Nghiên cứu và khai thác biển đã trở thành vấn đề mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia không có biển. Và do đó, vị thế của các thương cảng ngày càng được khẳng định từ nhiều góc độ: địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa…

Xét ở góc độ văn hóa - văn minh, thương cảng có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Ở Việt Nam, từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, các thương cảng và thị tứ vùng duyên hải góp phần kết nối quốc gia Đại Việt với thế giới Đông Á, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao thương và trao đổi văn hóa với nhiều thành tựu còn để lại đến hôm nay.

Chỉ sau ít tháng khởi động, hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu của các quốc gia và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Australia cùng nhiều nhà khoa học Việt Nam với hơn 100 bài viết.

Hội thảo này chắc chắn sẽ góp thêm tư liệu và nhận thức để góp phần nhận diện vai trò của Hội An trong hệ thống thương cảng Việt Nam và khu vực, để miền đất dung dị, bình yên và quyến rũ Hội An luôn giữ được bản sắc độc đáo của mình, vừa có bước phát triển bền vững trên những chặng đường sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An chia sẻ, năm 2019, Hội An sẽ có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra và trong đó nổi bật là kỷ niệm 20 năm Hội An được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, 10 năm Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Cột mốc đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của đô thị cổ trong những năm qua, các giá trị nhiều mặt của di sản văn hóa Hội An tạo nên những giá trị văn hóa vật thể - phi vật thể tại đây. Buổi Hội thảo cũng có vai trò quan trọng, ý nghĩa trong tìm hiểu, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của thương cảng Hội An một thời.

C.Bính-N.Linh