1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hoạt động mại dâm ngày càng trẻ hóa và tinh vi

(Dân trí) - Năm 2008, hoạt động mại dâm trên toàn quốc không giảm mà chuyển sang nhiều hình thức tinh vi hơn. Trong khi đó, những biện pháp phòng chống mại dâm đang được triển khai vẫn chỉ loanh quanh kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”!

Đối tượng ngày càng trẻ hóa, hoạt động ngày càng tinh vi

Theo báo cáo tổng hợp từ Cục phòng chống tệ nạn (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Tính đến hết năm 2008, cả nước có khoảng 40.000 người hoạt động mại dâm và hơn 32.000 tiếp viên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà nghỉ, nhà hàng karaoke... có biểu hiện nghi vấn hoạt động mại dâm. Thành phần của đối tượng gái bán dâm ngày càng có xu hướng trẻ hoá: dưới 18 tuổi chiếm 14%, từ 18-25 tuổi  chiếm khoảng 42%, từ 25-35 tuổi chiếm khoảng 35%...
 
Điều đáng lưu ý là hình thức hoạt động của tệ nạn mại dâm ngày càng đa dạng. Theo báo cáo chưa đầy đủ, năm 2008 các địa phương đã triệt phá 859 vụ (giảm 12,3% so với năm ngoái) với hơn 3 nghìn đối tượng vi phạm, bắt giữ hơn 1.200 đối tượng, gồm chủ chứa, môi giới, 135 đối tượng gái bán dâm, 647 đối tượng khách mua dâm. Một số địa phương triệt phá được nhiều đường dây với mại dâm lớn với nhiều đối tượng tham dự như: Hà Nội, Bắc Giang, Thành phố HCM, Quảng Ninh, Hoà Bình, Cà Mau, Trà Vinh…
 

70% người hành nghề mại dâm quay về con đường cũ
 
Cũng theo báo cáo từ Cục phòng chống tệ nạn, trong năm 2008, các địa phương đã tổ chức chữa trị, giáo dục cho hơn 3.000 đối tượng hành nghề mại dâm, trong đo, số đối tượng được dạy nghề, tạo việc làm là hơn 2.000, giảm so với năm trước.
 
Đặc biệt, từ năm 2007, một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Tiền Giang… số đối tượng được đưa vào chữa trị, giáo dục giảm trên 60% so với thời điểm trước đó.
 

Theo lý giải từ các địa phương này, do hoạt động giáo dục dạy nghề và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng hiệu quả còn thấp nên rất khó thực hiện.

Cũng vì chưa có nhiều biện pháp làm giảm kỳ thị của xã hội và mặc cảm của đối tượng đã họat động mại dâm khi tái hoà nhập cộng đồng, nên tỷ lệ trở về nghề cũ lên tới 60%- 70%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục trưởng  Cục phòng chống tệ nạn Nguyễn Văn Minh: so với tình hình thực tế thì những vụ việc đã được giải quyết chẳng thấm vào đâu!
 
Hiện nay, ở các tỉnh, thành tập chung đông dân cư nhiều gái mại dâm đã có xu hướng chuyển sang làm gái gọi, gái bao, hoặc tiếp thị qua  internet và điện thoại di động. Nên cán bộ cơ quan chức năng rất khó phát hiện, theo dõi và bắt giữ.
 
Còn tại những làng quê xa xôi hơn, tệ nạn mại dâm lại hoạt động dưới nhiều hình thức như: quán cà phê, quán nhậu, thậm chí hành nghề ngay tại nhà ở ngay trong xóm, làng.
 
Tình hình cũng diễn biến rất phức tạp ở các khu vực giáp ranh với nước bạn: Như tại biên giới Việt - Trung, ở khu vực Hà Khẩu (Trung Quốc) đã hình thành các khu chợ mại dâm hoạt động công khai 24/24, gái mại dâm hầu hết là người Việt Nam có độ tuổi từ 16-25, phần lớn là hoạt động chuyên nghiệp, nhưng cũng có một số bị lừa ép buộc bán dâm.
 
Khảo sát địa bàn ngoại biên đối diện Lào Cai, bộ đội biên phòng đã thống kê được 380 gái mại dâm đang hoạt động trong đó có nhiều chị em là nạn nhân của bọn buôn người.
 
Tại biên giới Việt Lào, hoạt động mại dâm diễn ra chủ yếu tại các khu kinh tế cửa khẩu như Lao Bảo, Cầu Tre- Hà Tĩnh...
 
Biên giới Việt Nam- Camphuchia: địa bàn ngoại biên chủ yếu là các khu vực cửa khẩu, nơi có casino của Camphuchia mở sát biên giới Việt Nam; khu vực Bà Vét đối diện Mộc Bài- Tây Ninh, cửa khẩu Long Bình- An Giang...
 
Hoạt động mại dâm ở tuyến biên giới trên biển cũng đang là nỗi nhức nhối  của cơ quan chức năng: Đối tượng mại dâm trên biển thường lợi dụng đêm tối trên địa bàn phức tạp mua, bán dâm dưới vỏ bọc như trao đổi hàng hoá, khiến cơ quan chức năng rất  khó phát hiện và xử lý tại chỗ.
 
Đa số cơ sở vi phạm vẫn hoạt động
Theo báo cáo chưa đầy đủ, các địa phương đã tiến hành kiểm tra gần 35 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện hơn 12.500 cơ sở vi phạm, trong đó: cảnh cáo nhắc nhở 2.152 cơ sở, phạt tiền 5.059 cơ sở với tổng số tiền 18 tỷ 632 triệu đồng, đình chỉ kinh doan 308 cơ sở, thu hồi giấy phép kinh doanh 126 cơ sở…
 
Qua những thống kê sơ bộ, thật dễ dàng nhận ra, hầu hết các địa phương đều tiến hành rất nhiều đợt kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cũng đã phát hiện đến một nửa số cơ sở vi phạm quy định. Thế nhưng, số bị đình chỉ kinh doanh hay thu hồi giấy phép thì lại quá ít ỏi.
 
Vì sao có nghịch lý này? Theo lý giải của ông Minh, một phần đó là do các địa phương đều có xu hướng ưa áp dụng kiểu “phạt rồi cho tồn tại”. Việc xử lý các vi phạm chủ yếu tiến hành theo các đợt cao điểm, không có sự phối hợp chặt chẽ. Biện pháp giải quyết mại dâm cũng mới chỉ ở nơi công cộng chủ yếu là đẩy đuổi đối tượng đi địa bàn khác hoạt động. Chính vì vậy,  nạn mại dâm mới chỉ giảm ở bề nổi, khi có đợt truy quét.
 
Hơn thế, quy định về xử lý vi phạm hành chính trong phòng chống mại dâm không ít, nhưng lại thiếu cụ thể và phân tán trong nhiều văn bản thuộc các Bộ,  Ngành khác nhau, dẫn đến tình trạng chồng chéo khó thực hiện luật  hoặc luật lại bị tuỳ tiện áp dụng. Cùng đó, một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống mại dâm đến nay còn nhiều vướng mắc, như: Quy định về xử lý người mua dâm vẫn còn ở mức thấp.
 
Một số địa phương kiến nghị: do thẩm quyền xử phạt hành chính của chủ tịch UBND cấp tỉnh hiện còn quá hạn chế, nên chính quyền sở tại không thể đưa ra những hình thức xử phạt đích đáng nhằm hạn chế tệ nạn ở nơi mình quản lý.
 

P. Thanh