1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bình Định:

Hoang mang nỗi lo sông “nuốt” nhà

(Dân trí) - Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống dọc bờ sông Gò Chàm đoạn chảy qua các thôn Háo Lễ, Tân Hội thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước (Bình Định), không khỏi lo lắng do tình trạng xâm thực gây sạt lở, uy hiếp nhà dân mỗi mùa mưa lũ cận kề…


Qua tìm hiểu, tình trạng sạt lở bờ sông Gò Chàm đang diễn ra gần 10 năm nay. Tuy nhiên, trước mùa mưa bão năm nay, tình trạng bờ sông bị xâm thực, sạt lở đang là vấn đề cấp bách với các hộ dân sống cạnh bờ sông. Mới chỉ hai trận mưa vừa hồi đầu tháng 10 vừa qua đã có dấu hiệu đất sụt lún, nhiều chỗ sạt lở vào đất vườn nhà dân. Vì vậy, trước mùa mưa lũ năm nay người dân các thôn Háo Lễ, Tân Hội, Lương Lộc không khỏi lo lắng nỗi lo nước sông “nuốt” nhà.

Anh Đặng Văn Sinh, người dân thôn Háo Lễ cho biết, trước đây đất sau nhà tôi cách sông cả vài mét nhưng cứ mỗi năm về mùa mưa nước lớn đổ về lại kéo đi một ít. Giờ nước đã sát vào sát công trình phụ của gia đình. Hàng năm, phải gia cố đóng cọc tre để giữ đất nhưng cũng không chống lại được thiên tai. Trận lũ cuối năm 2013, nước lũ lớn “nuốt chửng” công trình phụ của gia đình, nước đổ ầm ầm rất nguy hiểm”.

Nhiều hộ dân sống dọc sông Gò Chàm lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về
Nhiều hộ dân sống dọc sông Gò Chàm lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về

Liền kề nhà anh Sinh là nhà ông Ngô Đức Hương mới hồi tháng 4/2014, khi đơn vị thi công cây cầu bắc qua sông Gò Chàm nên làm đường phụ chặn dòng nhưng chỉ đặt mấy ống cống nhỏ. Sau trận mưa lớn, nước thoát không kịp, phá vỡ đường cuốn phăng luôn chuồng heo xuống sông, nhà bị nứt, hàng chục khối đất vườn kéo xuống sông cùng nước lũ. “Đất đai vườn bị nước sống cuốn trôi, nhà cửa bị nứt, nghiêng ra sông cũng sợ lắm nhưng đành phải chấp nhận. Sống miết ở đây rồi cũng quen”, ông Hương nói như an ủi.

Theo ghi nhận, không chỉ nhà ông Hương, anh Sinh bị đe dọa mà nhiều nhà dân bị nước sông Gò Chầm xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn ăn sát vào chân tường nhà dân. Hầu hết, các hộ dân sống sát bờ sông đều phải đóng cọc tre, chắn bao tải đất để giữ đất, chống xói mòn.

Ông Lê Phước Châu, ở thôn Tân Hội cho biết, hàng năm sau mỗi mùa mưa lũ đất vườn bị xói mòn ông phải bỏ tiền mua cả chục khối đất đổ thêm vào vườn. “Vào mùa mưa lũ là ăn không ngon ngủ không yên vì lo nước sông nuốt nhà. Như năm trận lũ lớn hồi tháng 11/2013, nước dâng cao, bất ngờ, nhà tôi bị nứt toác, đất đai sạt lở đổ xuống sông ầm ầm”, ông Châu nhớ lại.

Tình trạng trên đã xảy ra gần 10 năm qua, dù chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra, xác nhận một số khu vực nói trên bị ảnh hưởng, đe dọa đến nhà cửa, tính mạng của nhân dân. Tuy nhiên, đến này địa phương vẫn chưa có phương án cụ thể để khắc phục tình trạng trên.

Ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng cho rằng: Tình trạng sạt lở bờ sông Gò Chàm không chỉ gây nguy hiểm cho các hộ dân sống ven sông vùng hạ du, mà còn khiến ảnh hưởng đến tình hình sa bồi thủy phá đất nông nghiệp. Hàng năm, địa phương đã quan tâm đóng cọc bằng tre, gia cố tại một số đoạn bờ kè xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời do kinh phí địa phương hạn chế. Hiện xã đang kiến nghị cấp trên đầu tư xây dựng hệ thống kè ven sông”.

Nói về tình trạng trên, ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết:“Hàng năm, huyện tiến hành rà soát tất cả các điểm sạt lở trên địa bàn, trong đó có khu vực sông Gò Chàm đoạn qua xã Phước Hưng. Trên cơ sở đó, huyện đã lập tờ trình kiến nghị tỉnh, Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình kè chắn theo hướng kiên cố hóa nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân”.

 
Anh Thắng với nỗi lo nước sông nuốt nhà 
Anh Thắng với nỗi lo nước sông nuốt nhà 
Hiểm họa những ngôi nhà cạnh bờ sông Gò Chàm.
Hiểm họa những ngôi nhà cạnh bờ sông Gò Chàm.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm