1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hoàn thành sơ tán dân trước sáng 4/12!

(Dân trí) - Bão số 9 đang di chuyển vào gần bờ với tâm bão ngày càng rõ nét và cường độ bão có xu hướng mạnh lên. Để tránh bị động như cơn bão Linda năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương nằm trong vùng nguy hiểm phải hoàn tất công tác sơ tán dân trước sáng 4/12.

Đề phòng lốc xoáy và lũ lớn

 

Theo dự báo, chỉ trong sáng mai (4/12), bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận. Đến chiều tối cùng ngày, vùng tâm bão có khả năng đi qua địa phận các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Bình Thuận, suy yếu đi một ít và đi sâu vào đất liền.

 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có gió bão mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 7 - 8, sau tăng lên cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội.

 

Hoàn thành sơ tán dân trước sáng 4/12!   - 1
 Đường đi của bão số 9 ở thời điểm dự báo tối 3/12. Bóng màu xanh là khu vực tâm bão đi qua.

 

Từ chiều ngày 4/12, các tỉnh phía nam Tây Nguyên và miền đông Nam Bộ, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10.

 

Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh Bình Định đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4 mét và sóng biển cao từ 5 - 7 mét.

 

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

 

Bão số 9 diễn biến phức tạp, nhiều đài dự báo khác nhau

 

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố ven biển và lực lượng biên phòng, đến 9 giờ ngày 3/12 đã thông báo được cho 41.995 tàu và 258.700 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 9 để về bờ.

 

Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An còn 41 tàu thuyền đánh bắt ven bờ của huyện Quỳnh Lưu chưa liên lạc được.

 

Tỉnh Bình Định còn 67 tàu với 541 người hoạt động ở phía nam Côn Đảo đang di chuyển qua vùng biển Malaixia để tránh bão.

 

Tỉnh Ninh Thuận còn 35 tàu với 261 người hoạt động trên biển, trong đó 14 tàu và 67 người hoạt động ven biển Ninh Thuận, 21 tàu và 194 người hoạt động tại vùng Bình Thuận.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, vào 3 giờ chiều nay, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì họp với Ban chỉ đạo PCLB TƯ bàn biện pháp cụ thể đối phó với bão. Đồng thời, hai đoàn công tác đã được cử vào Khánh Hoà và TPHCM trực tiếp phối hợp với các địa phương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các biện pháp cụ thể phòng chống bão.

 

Ngoài ra, đoàn công tác do Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo PCLB TƯ Cao Đức Phát và một số Bộ, ngành liên quan đã bay vào Nha Trang từ sáng nay để phối hợp chỉ đạo các biện pháp cụ thể đối phó với bão.

 

Theo Ban chỉ đạo PCLB TƯ, hiện công tác dự báo báo số 9 đang có sự khác nhau giữa đài khí tượng của Việt Nam và các đài khí tượng trong khu vực về thời gian cũng như địa điểm đổ bộ vào đất liền.

 

Đài dự báo của Hồng Kông dự báo bão tiệm cận vào phía nam của tỉnh Ninh Thuận sau đó đi dọc theo ven bờ biển và Bà Rịa - Vũng Tầu, vượt qua Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và ra biển Tây, qua đảo Phú Quốc.

 

Trung tâm cảnh báo của Mỹ và Trung Quốc lại dự báo bão đổ bộ vào Khánh Hòa rồi đi sâu vào Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và một phần Tây Ninh. Ngoài ra, Trung Quốc còn dự báo, bão số 9 sẽ đi tiếp đến Long An, Đồng Tháp và An Giang.

 

Do hướng đổ bộ của bão vào đất liền còn phức tạp nên Ban Chỉ đạo PCLB TU yêu cầu cấm tàu thuyền hoạt động trên biển đông từ Quảng Ninh đến Cà Mau, đồng thời yêu cầu các địa phương từ Quảng Ngãi đến Cà Mau bố trí lãnh đạo trực xử lý tình huống để tránh bị động như cơn bão Linda năm 1997. Trên đất liền, các địa phương từ Quảng Ngãi đến Sóc Trăng có phương án sẵn sàng chuẩn bị di dân ở những khu vùng thấp, trũng, những nơi nhà tạm đến nơi an toàn khi có lệnh.

 

Khẩn cấp sơ tán dân vùng nguy hiểm

 

Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện khẩn số 1979/CĐ-TTg gửi Chủ tịch UBND các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung lực lượng, phương tiện thực hiện các biện pháp quyết liệt bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Các địa phương phải tổ chức sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn (đến các nhà kiên cố, các công trình công cộng, khu vực an toàn), hoàn thành trước sáng 4/12.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh thành phố gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ không được chủ quan lơ là, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, chỉ đạo công tác phòng chống kịp thời, có các phương án phòng chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

 

Ban Chỉ đạo PCLB TƯ, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ: Quốc phòng, Thủy sản, Giao thông vận tải, Công an và các Bộ ngành, các lực lượng liên quan chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đối phó và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.

 

Hiền Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm