(Dân trí) - Cánh đồng đào Nhật Tân, Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu nở đẹp, cả vùng đào bát ngát đổi màu đỏ rực rỡ chờ đón Tết Tân Sửu.
HOA ĐÀO NỞ ĐỎ RỰC TRÊN CÁNH ĐỒNG NHẬT TÂN
Cánh đồng đào Nhật Tân, Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu nở đẹp, cả vùng đào bát ngát đổi màu đỏ rực rỡ chờ đón Tết Tân Sửu.
Cách đây 2 tuần, những cây đầu tiên bắt đầu ra hoa điểm xuyết màu đỏ báo hiệu bắt đầu mùa đào Tết Tân Sửu. Thời điểm hiện tại, đào bắt đầu nở rộ, sắc đỏ rực rỡ phủ khắp dải đất bờ bãi ven sông Hồng.
Người dân chơi đào bắt đầu đổ về, vào tận vườn, đến tận gốc lựa chọn những cây đào ưng ý, đánh dấu chờ ngày mang về.
Năm nay thời tiết thuận lợi, hứa hẹn mùa đào tuyệt đẹp và nhiều lợi nhuận cho người trồng đào Nhật Tân, Phú Thượng.
Năm nay lập xuân sớm, theo kinh nghiệm đào sẽ nở đẹp.
Người trồng đào Nhật Tân ngày càng ít, họ cho biết nghề này làm chỉ đủ sống chứ không làm giàu được.
Đào cành hiện tại giá dao động từ vài chục đến năm bảy trăm nghìn đồng một cành cắt tại vườn. Sau đó nhiều cành đào đã được chuyển lên đủ loại phương tiện vận chuyển khắp mọi miền đất nước.
Đào được trồng xen lẫn các loại hoa tạo nên cảnh sắc rất đẹp thu hút người dân kéo đến chiêm ngắm.
Nhiều vườn chỉ trồng loại đào nhỏ, chuyên để đặt trên ban thờ vào dịp Tết, hoặc phục vụ nhu cầu chơi hoa ngày Rằm tháng Chạp, ngày Ông Táo hoặc cắm chơi thưởng lãm trên bàn nước...
Ngày nay kĩ thuật trồng đào của người Nhật Tân phát triển đa dạng, họ có thể điều chỉnh cho cây đào nở hoa đúng dịp kể cả khi thời tiết không thuận lợi. Nếu trời nắng ấm kết hợp gió nồm vào buổi tối, đào sẽ nở rất nhanh. Còn nếu trời rét buốt dài ngày thiếu nắng thì nhiều dân trồng đào còn phải ngày đêm nằm sưởi, ủ ấm cho cây để đào nở đúng độ, kịp bán trước Tết.
Hầu hết người trồng đào ở Nhật Tân đều có thâm niêm nhiều đời, từ ông bà, bố mẹ truyền lại và coi đó như nghề truyền thống của gia đình.
Xưa người Nhật Tân trồng đào ngoài đồng, là khu vực đường Lạc Long Quân bên trong đê, đến khi mất đất họ mới quay về trồng nhiều tại khu trồng đào ngày nay là khu vực bãi ngoài đê sông Hồng.
Bãi đất ven sông Hồng này trước đây người dân thường trồng dâu nuôi tằm, sau trồng rau, rồi chuyển hẳn sang trồng đào.
Một vườn đào đang khoe sắc đỏ rực rỡ tại khu vực trồng đào Phú Thượng.
Do sự phát triển nhanh chóng của đô thị, nhà cửa đường xá mọc lên, đất trồng đào ngày càng bị thu hẹp, người trồng phải đi thuê đất ở nhiều vùng lân cận để mở rộng nghề trồng đào.
Nghề trồng đào bận bịu triền miên, trong 365 ngày của một năm, nhiều hộ gia đình chỉ được nghỉ đúng ngày mùng Một Tết. Sang ngày mùng Hai, họ đã bắt đầu ra thăm vườn.