Trong ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 19 HĐND TPHCM khóa VII, các đại biểu đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Giám đốc Sở kế hoạch - đầu tư.
Kẹt... cơ chế
Như những kỳ họp trước, phiên chất vấn dành cho lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TPHCM (GTVT) luôn được nhiều cử tri gửi ý kiến và “nóng” ở phần đặt câu hỏi của các đại biểu.
Các đại biểu chuyển tải những bức xúc của người dân đến lãnh đạo ngành GTVT
Ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GTVT - cho rằng, hiện tượng lún sụt mặt đường là khoảng trống được tạo nên bên trong lòng đường do sự chuyển dịch của một vật liệu nào đó. Dưới tác động của một lực thì khoảng trống đó sẽ sụp xuống tạo thành hố mà báo chí quen gọi là “hố tử thần”.
Tính từ ngày 15/7 đến ngày 9/12/2010, một khoảng thời gian ngắn nhưng trên địa bàn thành phố đã có 59 “hố tử thần” xuất hiện. Ông Phượng khẳng định, việc tái lập mặt đường chỉ gây lún cục bộ chứ không phải là nguyên nhân gây nên hố đen. 17,5% hố xảy ra do lỗi thi công. Nguyên nhân sâu xa chính là việc hạ tầng xuống cấp, đường cống mục. Một số công trình xây dựng từ thời Pháp thuộc đã đến lúc phải thay nhưng chưa được giải quyết. Nguyên nhân trực tiếp do địa chất yếu, việc khai thác nước ngầm “tùm lum” nên tạo khoảng trống bên dưới các công trình ngầm, gây nên lún, sụt.
Mặt khác, một số phương tiện giao thông hiện nay “siêu” tải trọng, gây một áp lực rất lớn cho một số tuyến đường. Trong đó, có 91 tuyến đường trong nội thành chưa được trùng tu lần nào.
“Hố tử thần”, ai chịu trách nhiệm?
Ông Phượng nêu rõ những khó khăn nhưng không thừa nhận trách nhiệm về mình. Theo vị Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hiện có rất nhiều “ông chủ” cùng quản lý trên một tuyến đường. Có đến 8 “ông” gồm: Sở GTVT, Trung tâm Điều hành chống ngập nước, Điện lực, Cấp nước, UBND các quận, huyện trực thuộc… Các cơ quan này thiếu kiểm tra, duy tu, trùng tu bảo dưỡng và kiến nghị đại tu.
“Có sự chồng chéo trong việc quản lý hệ thống đường bộ. Theo luật, Sở GTVT không được quản lý hệ thống cấp nước. Chúng tôi cũng bị hạn chế quyền như theo Nghị định 23, chỉ có Thanh tra xây dựng mới xử lý vi phạm thi công đường còn Thanh tra GTVT thì không được. Nếu phát hiện vi phạm, Thanh tra GTVT mà xử lý thì vi phạm luật. Tôi thấy cơ chế này không phù hợp với một đô thị phát triển như TPHCM”, ông Phượng biện minh.
“Không thể nói: không quản lý thì không làm”
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bức xúc: “Những sụt lún bất ngờ tuy chưa chết người nhưng thiệt hại về tài sản thì đã có. Tuy là chưa thiệt hại về người nhưng không có nghĩa là không có. Không biết rồi đây sẽ xuất hiện bao nhiêu hố nữa, xuất hiện ở đâu? Người dân đang hoang mang lắm. Khi 1, 2 hố tử thần xuất hiện, báo chí đã lên tiếng. Đến nay, gần 60 hố như thế, sao chưa thấy Sở xử lý gì? Tôi thấy ban bệ đầy đủ rồi, cần có hành động cụ thể ngay thôi”.
Đại biểu Võ Văn Sen thì cho rằng, ông rất bất ngờ với giải trình của Giám đốc Sở GTVT khi có đến 63,2% vấn đề mà lãnh đạo ngành này không giải thích được.
Giám đốc Sở GTVT không chịu trách nhiệm về “hố tử thần”
Ông Trần Quang Phượng cho rằng, cần phải có một khoảng tiền lớn thì mới giải quyết được những vấn nạn về giao thông. Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa nói: “Vấn đề chi phi bỏ ra do ai chịu? Nếu làm qua loa thì biết khi nào cho được lại còn tốn tiền của dân”. Ông Phượng giải thích, không lấy kinh phí nhà nước mà nếu có vi phạm, sẽ lập biên bản và bắt chủ đầu tư, nhà thầu đó chịu trách nhiệm khắc phục.
“Khắc phục xong, có đảm bảo không lún nữa hay không?", đại biểu Nghĩa hỏi và ông Phượng khó trả lời. “Năm 2008, Sở GTVT tách ra, không quản lý cấp thoát nước nữa. Tôi nói ra không phải né trách nhiệm nhưng mà do cơ chế quản lý thôi. Chúng tôi không quản lý hệ thống thoát nước, cấp nước. Nếu có, chúng tôi trả lời tương đối chứ không phải nói là không biết”, ông Phượng lý giải.
Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho biết đã có 130 câu hỏi chất vấn của 14 đại biểu gửi đến lãnh đạo 23 sở - ngành, đơn vị của TP. Trong đó ngoài 22 câu hỏi chất vấn lãnh đạo UBND TP, Sở Giao thông vận tải xếp đầu bảng về số câu hỏi nhận được với 21 câu, kế đó là Sở Tài nguyên - môi trường (10 câu), Sở Xây dựng (9 câu), Sở Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch - đầu tư (8 câu), Công an TP (7 câu), Giáo dục - đào tạo (5 câu)... |
Đại biểu Huỳnh Công Hùng cũng bất bình: “Anh không thể nói không quản lý thì không làm được. Không thể nói ai làm xảy ra sự cố thì người đó bỏ tiền sửa”.
Đại biểu Dương Văn Nhân chất vấn: “Chúng ta đã có giải pháp thứ mấy rồi mà vẫn kẹt xe, ngập nước vậy? Với trách nhiệm ủy viên của ủy ban, giám đốc có chịu trách nhiệm về việc này không và có điều hành được việc này không?”.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Bạch thẳng thắng: “Trách nhiệm này phải thuộc ngành GTVT vì các đơn vị nào muốn làm gì với tuyến đường đều phải được ngành GTVT cho phép mới dám thi công”.
Kết lại cuộc chất vấn, bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TPHCM - cho rằng: “Sự quản lý đang bị cắt khúc khi một mặt đường mà có đến 8 đơn vị tham gia quản lý, khai thác. Trong tình hình chưa thống nhất cách quản lý thì các sở ngành nên phối hợp với nhau”.
Ngoài ra, trong buổi sáng nay, ông Thai Văn Rê - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cũng đã trả lời chất vấn làm rõ hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản của TP trong thời gian qua, có dàn trải hay không cũng như công tác cải cách hành chính trong hoạt động cấp phép đầu tư.
Chiều nay, HĐND tiếp tục phần trả lời chất vấn của giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo và giám đốc Công an TP.
Công Quang