“Hỗ trợ địa phương trong việc “đánh án” trọng điểm”
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết năm 2017 sẽ thành lập Tổ công tác hỗ trợ các địa phương trong việc “đánh án” thu hồi tài sản đối với các vụ án lớn, trọng điểm như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Công ty Tài chính II, Vinalines...
- Theo kế hoạch thi hành án dân sự năm 2017 được Bộ Tư pháp phê duyệt, số lượng án được giao thi hành, thu hồi tài sản rất lớn. Làm sao để Tổng cục Thi hành án dân sự đạt được những mục tiêu này?
- Vừa qua chúng tôi đã tổ chức buổi làm việc trực tuyến với 63 Cục Thi hành án dân sự địa phương để quán triệt các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2017, cũng như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong đó tập trung tổ chức thi hành án ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm công tác, tránh tình trạng “đủng đỉnh, xả hơi”.
Đồng thời chỉ đạo quyết liệt thi hành án các vụ án tham nhũng, cũng như nâng cao hiệu quả thi hành án đối với những việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Chúng tôi sẽ thành lập các Tổ công tác hỗ trợ các địa phương trong việc “đánh án” đối với các vụ án lớn, trọng điểm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng công tác kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót.
Tổng cục Thi hành án dân sự cũng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống thi hành án, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp và xử lý nghiêm, kiên quyết thay thế những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm đạo đức, lối sống...
- Kết quả thu hồi tài sản trong những vụ án lớn, án tham nhũng trọng điểm có số tiền thu hồi lớn trên cả nước đang gặp muôn vàn khó khăn. Tổng cục Thi hành án dân sự đặt ra những yêu cầu nào trong việc này, đặc biệt khi dư luận bức xúc vì thất thoát tài sản rất lớn nhưng thu hồi được rất nhỏ?
- Thời gian qua nhiều vụ án lớn xâm phạm trật tự kinh tế, sở hữu, tham nhũng được đưa ra truy tố, xét xử đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng này.
Ngoài việc bị tuyên xử các hình phạt nghiêm khắc (tử hình, chung thân, tù giam), người phải thi hành án trong các vụ án này còn phải thi hành phần trách nhiệm dân sự với giá trị phải thi hành rất lớn, có trường hợp số tiền phải thi hành án lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Chúng tôi nhận thức rõ việc thi hành án để thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, tài sản cho nhà nước trong các vụ án đó là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhằm khắc phục hậu quả do tham nhũng, vi phạm pháp luật gây ra, góp phần đắc lực vào công tác đấu tranh chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân. Chính vì thế, thời gian qua, các cơ quan thi hành án dân sự luôn chú trọng, chỉ đạo sát sao các Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành các vụ việc loại này.
Các cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên cũng đã tích cực đôn đốc, xác minh, áp dụng các biện pháp thi hành án phù hợp để thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước ở mức cao nhất. Nhiều nơi đã thành lập Tổ, Nhóm chỉ đạo thi hành án, lập kế hoạch giải quyết đối với từng vụ việc; nhiều tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án đã được tập trung xử lý; định kỳ hàng tháng bao cáo tiến độ, kết quả thi hành án bảo đảm đúng yêu cầu của Tổng cục Thi hành án dân sự…
Kết quả thi hành án đã có những chuyển biến nhất định, ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như đã thi hành được 261 tỷ 655 triệu đồng; vụ Công ty Tài chính II đã thi hành 29 tỷ 963 triệu đồng; vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã thi hành được 74 tỷ 102 triệu đồng; vụ Vinalines đã thi hành hơn 38 tỷ 904 triệu đồng; vụ Ngân hàng phát triển Đắc Lắc đã thi hành được 605 tỷ 283 triệu.
Mặc đã có những chuyển biến tích cực nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản trong các vụ án tham nhũng - kinh tế kết quả đạt được vẫn còn thấp, quá trình tổ chức thi hành án một số việc còn kéo dài, số tiền chưa thi hành được chuyển kỳ còn nhiều do những khó khăn, vướng mắc.
Rõ nhất, đa số các vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Ví dụ như việc thi hành án đối với Dương Chí Dũng trong vụ Vinalines phải nộp 110 tỷ đồng, đến nay mới thi hành được hơn 22,5 tỷ đồng, trong đó số tiền số tiền bán tài sản đã kê biên chỉ thu được 14 tỷ đồng.
Đối với việc xác minh điều kiện thi hành án, ngoài các tài sản đã được kê biên, được tuyên xử lý trong bản án, quyết định của Tòa, hầu như cơ quan thi hành án dân sự khó có thể xác minh được thêm tài sản hoặc nguồn thu nhập khác, vì tội phạm tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản. Trong khi đó, cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thể căn cứ vào tình trạng pháp lý hiện hành của tài sản để xử lý mà không có thẩm quyền điều tra, chứng minh nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có.
Năm nay chúng tôi sẽ chỉ đạo thành lập và đi vào hoạt đông có hiệu quả của các Tổ chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, như tổ chỉ đạo giải quyết vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Vụ Công ty tài chính II, Vụ Vinalines... Đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng - kinh tế.
Bên cạnh đó sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các Cục thi hành án dân sự định kỳ báo cáo, cập nhật kết quả thi hành án và tiếp tục lập danh sách, có kế hoạch xử lý từng vụ việc cụ thể. Đề nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của người phạm tội trong quá trình tiến hành tố tụng, tránh trường hợp người phạm tội tẩu tán tài sản, đảm bảo khả năng thu hồi được nhiều tài sản nhất.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời nắm bắt diễn biến, kết quả thi hành án đã và sẽ được Tổng cục Thi hành án dân sự triển khai như thế nào, thưa ông?
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều quyết định, đề án về ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự, với các nhiệm vụ cụ thể theo giai đoạn và hàng năm. Đặc biệt để kịp thời nắm bắt diễn biến, kết quả thi hành án, trong giai đoạn 2015-2020, Tổng cục Thi hành án dân sự đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và thống kê thi hành án. Hiện nay, phần mềm đang hoàn tất việc thí điểm tại TPHCM; quá trình thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu, trong đó có thể theo dõi diễn biến quá trình thi hành án, trích xuất báo cáo kết quả thi hành án. Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện thí điểm, dự kiến phần mềm sẽ sớm được phát triển để triển khai toàn quốc.
Bên cạnh đó, hiện nay, các cơ quan thi hành án dân sự đều thực hiện đăng tải, cập nhật đầy đủ, kịp thời danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang Thông tin điện tử Thi hành án dân sự của các Cục Thi hành án dân sự và tích hợp trên Cổng thông tin điện tử Thi hành án dân sự theo quy định. Đây là cơ sở để người được thi hành án, cá nhân, tổ chức có liên quan giám sát kết quả xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)