1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Hổ nặng 250kg nằm bất động: Chủ nhà khai mua để nấu cao

Xuân Sinh

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc phát hiện cá thể hổ nằm bất động trong nhà dân, lực lượng công an đã tạm giữ chủ nhà để điều tra. Bước đầu, đối tượng khai nhận mua cá thể hổ để về nấu cao.

Tối 20/1, thượng tá Hà Hải Long, Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thông tin, đang tạm giữ ông Đinh Nhật Nghệ (49 tuổi, trú xã Quang Diệm, chủ nhà nơi phát hiện cá thể hổ) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm".

Hổ nặng 250kg nằm bất động: Chủ nhà khai mua để nấu cao - 1

Đinh Nhật Nghệ tại cơ quan điều tra

"Công an đang làm việc với người liên quan để điều tra, làm rõ hành vi. Việc khởi tố hay không tùy thuộc vào tính chất và mức độ", Trưởng Công an huyện Hương Sơn cho biết.

Bước đầu, ông Đinh Nhật Nghệ khai mua cá thể hổ trên từ Nghệ An rồi vận chuyển về nhà riêng ở Hà Tĩnh để nấu cao.

Chính quyền địa phương cho biết gia đình ông Nghệ làm nông nghiệp, chăn nuôi hươu ở địa phương.

Hổ nặng 250kg nằm bất động: Chủ nhà khai mua để nấu cao - 2

Cá thể hổ nặng 250kg được phát hiện tại nhà ông Nghệ

Trước đó, như Dân trí phản ánh, vào khoảng 23h30 ngày 19/1, lực lượng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Tĩnh phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường và Công an huyện Hương Sơn ập vào căn nhà ông Đinh Nhật Nghệ.

Tại đây, lực lượng chức năng tìm thấy một cá thể hổ nặng khoảng 250kg, chân bị trói bằng dây xích, nằm bất động trên tấm bạt phía sau khu vực phòng vệ sinh. Lúc kiểm tra thì cá thể hổ đã chết.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phan Văn Chiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) đánh giá hành vi tàng trữ cá thể hổ trong nhà, Đinh Nhật Nghệ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm" được quy định tại khoản 1, Điều 244 Bộ luật Hình sự.

"Bị can đã có hành vi tàng trữ 1 cá thể hổ, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định nên chắc chắn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố. Với hành vi này, mức án cao nhất người vi phạm có thể đối mặt là phạt tù từ 1 đến 5 năm", luật sư Phan Văn Chiều nói.

Tại khoản 1, Điều 244 quy định rõ, người vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.