1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hộ khẩu đang được dùng như một loại giấy phép!?

(Dân trí) - Thảo luận tại các tổ về dự án luật Cư trú chiều 24/5, không hẹn mà gặp, không khí trao đổi tại nhiều đoàn khá “căng”. Các quy định siết điều kiện nhập cư vào 5 thành phố lớn nhận phản ứng là làm khó, "đẻ" thêm giấy phép đối với người dân.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh: Luật Cư trú hiện hành ổn, chỉ công tác quản lý kém.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh: "Luật Cư trú hiện hành ổn, chỉ công tác quản lý kém".

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, thực tế, Luật Cư trú hiện hành đã rất tích cực, cởi mở đối với quyền tự do ăn ở, đi lại của nhân dân. Bất cập hiện nay là công tác quản lý kém, nhất là những người không có địa chỉ thường trú. Đã có nhiều người vay nợ, sau đó đi khỏi nơi cư trú thì không có cơ sở để xử lý. Hàng loạt phát sinh giao dịch không xử lý được do không tìm ra được nơi cư trú sau khi chuyển đi của người đó.    

Cùng đoàn TPHCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, có luật Cư trú là nhằm thực hiện quyền tự do cư trú của nhân dân, vì vậy cần tránh hướng suy nghĩ làm luật này là để chống tội phạm, chống gian trá. Yêu cầu phục vụ quản lý là hợp lý nhưng trên hết là để nhân dân được thực hiện quyền cư trú tốt nhất, phải tránh tình trạng nhân dân bị xâm phạm quyền đã được hiến định. Cao hơn nữa, luật phải làm sao để thực hiện quyền này đơn giản, ít thủ tục, rườm rà.

“Tôi đã đi nhiều nước học tập, sinh sống nhưng không ở đâu cách quản lý rườm rà như ở Việt Nam, nguyên nhân là cách làm rất thủ công trong công tác quản lý” - ông Nghĩa bức xúc.

Đại biểu viện dẫn, ở nước ngoài, công dân có thể không phải đăng ký nhưng nếu vi phạm lập tức cảnh sát có mặt. Theo đó, ông Nghĩa đặt vấn đề phải học tập cách quản lý cư trú hiện đại của các nước bạn, cần nghiên cứu, thay đổi cách quản lý cư trú rất nhiều thủ tục rườm rà hiện nay.

Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cũng cho rằng, cần thay đổi tư duy, quan điểm về quản lý xã hội, quản lý dân cư theo hướng càng đơn giản, thuận tiện, tạo điều kiện tốt phục vụ nhân dân. Không được làm khó, siết chặt cuộc sống của người dân bằng các biện pháp hành chính. Đại biểu băn khoăn, không biết với luật xây dựng như này, chuyển quản lý hộ khẩu còn tiếp tục tồn tại bao lâu nữa.

Ông Trường phân tích vào các quy định cụ thể về những “điều cấm” như cấm người có hộ khẩu nội thành đồng ý cho người khác nhập khẩu vào nhà mình mà thực tế không sinh sống tại đó, cấm việc xác nhận đồng ý cho “đứng tên” để trục lợi… Đại biểu cảnh báo, quy định thế, công an khu vực cũng có quản được không? Người dân đăng ký nhưng thực tế có cư trú không, ở 1 ngày, 1 tuần hay 1 tháng… ai có thể nắm được, định lượng được? Sao xác định được việc có trục lợi hay không?
 
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh: Luật Cư trú hiện hành ổn, chỉ công tác quản lý kém.
Đại biểu Lê Việt Trường (giữa): "Mở rộng quy định siết điều kiện nhập cư ra cả 5 thành phố lớn là không cần thiết".

Đại biểu cũng không đồng tình với hướng mở rộng quy định siết điều kiện nhập cư vào 5 thành phố trực thuộc TƯ. Dẫn lại chuyện luật Thủ đô đã từng vấp phản ứng, ông Trường cho rằng, tiếp tục các quy định hạn chế với cả 5 thành phố lớn của cả nước là không cần thiết.

Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng – an ninh lập luận, di cư là một hướng điều chỉnh tự nhiên, một trong những yếu tố thúc đẩy sự đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội. Nhà nước có nên “thò tay vào quản lý” hay nên để tự xã hội điều chỉnh. Để định hướng, nhà nước cần đầu tư phát triển đồng đều giữa các tỉnh thành, đô thị chứ không nên áp dụng biện pháp hành chính để hạn chế quyền cư trú đã được Hiến pháp bảo vệ của người dân.

Đại biểu Lê Đông Phong (TPHCM) cũng kêu gọi đừng biến hoạt động quản lý nhà nước thành những giấp phép đối với công dân. “Đừng để vấn đề nhập khẩu bị lạm dụng để… hành dân, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ xin nhập trường, điện.. khi coi hộ khẩu là một giấy phép” – ông Phong phát biểu.

Thêm một đại biểu của TPHCM phản ứng là TS. Trần Du Lịch. Cách dùng hộ khẩu như một loại giấy phép để quản lý dân cư hiện nay là quá lạc hậu, thế giới đã “quay lưng” từ lâu. Cụ thể, ở các nước, cách thức hạn chế dân cư là áp thuế nhà, phí môi trường ở nội thành rất cao, ở ngoại thành thì ngược lại, hết sức ưu đãi.

Ông Lịch kiến nghị giao cho chính quyền các đô thị tự quyết định về chính sách, điều kiện cư trú của công dân, tránh những “đụng chạm” như của Đà Nẵng với TƯ vừa qua.

Đại biểu Trần Đình Long (Đăk Nông) nhận xét, Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do cư trú thì luật Cư trú phải làm theo hướng đó chứ không phải làm ngược lại theo hướng “thắt” tự do “bảo cho thì được ở, không cho thì thôi”. Ông Long nêu lý lẽ: “Chính phủ Việt Nam là Chính phủ phục vụ chứ không phải cai trị nên người dân đi đâu chính quyền phải theo để phục vụ”. Đại biểu “gật đầu” với quan điểm thẩm tra của UB Pháp luật, không giải quyết được những vấn đề còn khúc mắc như đại biểu phân tích thì không thông qua luật này.

Sau buổi thảo luận tại các tổ này, Quốc hội còn một phiên làm việc toàn thể tại hội trường để cho ý kiến về dự thảo luật Cư trú lần này.

P.Thảo