Hình ảnh tư liệu hiếm từ 2 phía trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không
(Dân trí) - Nhiều tư liệu quý về 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" được giới thiệu đến công chúng tại di tích Nhà tù Hỏa Lò thông qua triển lãm với chủ đề "Thang âm cuộc chiến".
Nhân kỷ niệm 51 năm Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2023) và kỷ niệm 50 năm trao trả phi công Mỹ (1973-2023), nhiều tư liệu quý về 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" được giới thiệu đến công chúng tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh bắt đầu chiến dịch Linebacker II vào đêm 18/12/1972 đánh phá các mục tiêu ở Hà Nội và Hải Phòng. Ảnh chụp pháo đài bay B52, loại máy bay ném bom chiến lược lớn nhất, hiện đại nhất những năm 70 của thế kỷ 20.
Nhà ga lớn nhất miền Bắc (ga Hàng Cỏ) bị máy bay Mỹ ném bom phá sập tòa nhà trung tâm ngày 21/12/1972.
Các vị trí quân sự, đầu mối giao thông, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, thậm chí bệnh viện, trường học, nhà ga, khu đông dân cư đều trở thành mục tiêu của bom Mỹ trong chiến dịch Linebacker II. Trong ảnh, phố Khâm Thiên tan hoang sau trận bom của B52 đêm 26/12/1972.
Bệnh viện lớn nhất miền Bắc (BV Bạch Mai) bị ném bom tàn phá, sát hại và làm bị thương 28 bác sĩ, y tá, bệnh nhân ngày 22/12/1972.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm BV Bạch Mai sau khi bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá ngày 25/12/1972.
Những đứa trẻ đeo khăn tang ngơ ngác trong đống đổ nát ở Hải Phòng sau trận ném bom năm 1972.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, nhân dân Thủ đô sơ tán về vùng ngoại thành tiếp tục cuộc sống dưới mưa bom. Trong ảnh là nhân dân Hà Nội đi sơ tán tránh bom rải thảm của Mỹ năm 1972.
Các em bé được gánh trên vai người lớn để đi sơ tán vào tháng 12/1972. Thời điểm này hàng vạn gia đình hối hả rời khỏi nội thành, hàng trăm phương tiện được huy động...
Người già, trẻ em, và những người không thật cần thiết cho sản xuất, chiến đấu đã được sơ tán ra ngoại thành trước ngày 4/12/1972.
Do yêu cầu chiến đấu, Bộ Tổng tham mưu quyết định cho phép Bộ Tư lệnh Thủ đô thành lập 8 đại đội tự vệ tập trung chiến đấu, thoát li sản xuất. Ở nội thành, mỗi khu phố tổ chức 1 đại đội pháo cao xạ 10mm (5 khẩu). Cán bộ chiến sĩ các đại đội phần lớn là công nhân của nhiều xí nghiệp. Trong ảnh là tự vệ Nhà in báo Nhân Dân sẵn sàng chiến đấu, năm 1972.
Tổ dẫn đường bay đang chỉ dẫn cho máy bay ta đánh B52, tháng 12/1972.
Phân đội súng máy 14,5mm tự vệ Nhà máy điện Yên Phụ luyện tập sẵn sàng chiến đấu năm 1972.
Cô giáo và các em bé mầm non xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) bên hầm trú ẩn dưới rặng tre.
Học sinh đan mũ rơm chống bom bi.
Trẻ em đi học thời chiến mang theo túi cứu thương, cáng tre, đầu đội mũ rơm chống bom bi.
Học sinh di chuyển trong đường hào tránh bom.
Đất nước còn chiến tranh, cuộc sống của người dân còn khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn nỗ lực tạo điều kiện chăm sóc y tế sinh hoạt thể chất, văn hóa, tôn giáo cho phi công Mỹ bị bắt giam trong trại giam Hỏa Lò và các trại giam khác ở miền Bắc. Trong ảnh là phi công Mỹ trang trí cây thông mừng lễ "Thiên chúa giáng sinh" trong trại giam.
Theo nội dung của Hiệp định Paris, toàn bộ phi công Mỹ trong các trại giam ở miền Bắc Việt Nam được tập trung về trại giam Hỏa Lò để trao trả cho Chính phủ Mỹ. Trong ảnh là đại úy không quân Anderson John Wesley xin chiếc điếu cày dùng trong thời gian ở trại giam Hỏa Lò làm kỷ niệm trước khi được trao trả, ngày 12/2/1973.
Đợt trao trả đầu tiên được thực hiện ngày 12/2/1973 tại sân bay Gia Lâm. Các đợt tiếp theo vào các ngày 18/2, ngày 4/3. 15h30 ngày 14/3/1973, Chính phủ Việt Nam hoàn tất việc trao trả toàn bộ phi công Mỹ. Trong ảnh là phi công Mỹ được trao trả tại sân bay Gia Lâm, năm 1973.
Niềm hạnh phúc của các thành viên gia đình trung tá Robert L. Stirm khi đón ông trở về tại căn cứ không quân Travis (California, Mỹ), ngày 17/3/1973.