1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Hiểm họa từ trên trời

(Dân trí) - Đi trên đường phố Sài Gòn, ngoài việc phải chú ý quan sát mặt đất để tránh những cái “bẫy” chết người, người dân còn phải cẩn trọng đề phòng những hiểm họa từ trên trời rơi xuống…

Tai họa từ trên trời rơi xuống

 

Ngày 1/6, cơn mưa lớn kèm lốc mạnh đã quật đổ 40 cây tràm đường kính từ 25-40cm, 29 trụ điện trung hạ thế dọc tuyến tỉnh lộ 13 (Củ Chi). Một ôtô đang chở du khách đi thăm địa đạo Củ Chi bị cây đè trúng làm bẹp rúm phần đuôi. Rất may là không ai bị thương.

 

Trước đó, cuối tháng 5, sau vài cơn gió lớn trong các ngày 26, 28, 29 cũng đã xảy ra 5 vụ cây xanh ngã đổ và hơn mười vụ cành cây gẫy rơi xuống đường làm 1 người bị thương.

 

Mùa mưa, cây xanh đổ ngã lên đầu người đi đường là chuyện thường. Ở Sài Gòn, người đi đường còn phải cảnh giác một thứ khác có nguy cơ rơi lên đầu mình trong suốt năm chứ không riêng gì mùa mưa. Đó là thiết bị, vật liệu từ các công trình xây dựng cao ốc ven đường.

 

Đơn cử là vụ cần cẩu xây dựng cao ốc Center Tower bất ngờ ngã vào ngày 27/12/2007. Cần cẩu sắt dài 40 m rơi từ tầng 6 xuống mặt đường khi xe cộ lưu thông đông đúc khiến hàng trăm người hoảng loạn. Riêng vụ này đã làm 6 người bị thương, đè sập tường nhà văn hóa Thanh niên TP và nghiến nát một dãy xe máy đang đậu bên trong sân.

 

Gần đây nhất là ngày 9/4/2008, một thanh sắt xây dựng dài đến 2m bất ngờ rơi từ tầng 8 xuống đầu người đi đường làm 3 người bị thương nặng. Thì ra, các công nhân xây dựng cao ốc văn phòng Thanh Chung (144-146-148 Lê Lai, quận 1) trong lúc bất cẩn đã làm rơi thanh sắt này xuống.

 

Một vụ tai nạn hy hữu nữa xảy ra vào ngày 12/9/2007, ông Nguyễn Văn Hồng đang loay hoay đi tìm nhà vệ sinh dưới tầng trệt tòa nhà khách sạn Hoàn Cầu (109 Đồng Khởi, quận 1) thì một tảng bêtông rơi xuống đầu khiến ông tử vong. 

 

Thì ra khách sạn này đang tiến hành sửa chữa, khu vực giếng trời của tòa nhà được biến thành lối thả xà bần từ các tầng trên xuống nhưng không hề có biển báo hiệu, ông Hồng đi vào đúng lúc tảng bêtông được thả xuống.

 

Xử lý ra sao?

 

Ông Trần Thiện Hà - Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM - khẳng định: “Từ tháng 3 công ty đã tiến hành chặt, tỉa các nhánh cây khô mục. Các vụ tét nhánh vừa qua đều là do gió quá lớn chứ không phải do cành mục. Còn cây bị ngã đều do rễ nằm sâu dưới đất bị mục, trường hợp này rất khó kiểm tra”.

 

Như vậy, theo ông Hà, dù kiểm tra kỹ lưỡng nhưng cây xanh vẫn có nguy cơ ngã, tét nhánh. Người đi đường muốn tránh tai nạn này chỉ có cách hạn chế ra đường khi trời mưa to, gió lớn. Nếu phải ra đường thì nên tránh những con đường có cây cao, những ngã tư, vòng xoay và khu vực có nhiều cao ốc. 

 

Người đi đường bị tai nạn do cây xanh chỉ được hỗ trợ cao nhất là 60 triệu đồng tùy trường hợp. Đó là tiền hỗ trợ chứ không phải bồi thường vì đây là tai nạn bất khả kháng. Do vậy, ông Lê Ngọc Hùng - phó giám đốc khu Quản lý giao thông đô thị số 2, đã đề xuất ý tưởng mua bảo hiểm cho cây xanh. Nếu xảy ra tai nạn vì cây xanh thì cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả thiệt hại. Nhưng ý tưởng này còn đang bàn cãi.

 

Về tai nạn do công trình xây dựng ven đường gây ra, ông Huỳnh Tấn Dũng - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM - cho biết: “Chủ yếu là do các đơn vị thi công không đảm bảo an toàn. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra nhưng lực lượng có hạn. Cần cẩu tháp muốn sử dụng đều phải qua công đoạn kiểm tra kỹ thuật, sự cố xảy ra vì sai sót khi điều khiển”.

 

Đánh giá về hiểm họa của các cẩu tháp xây dựng, ông Dũng cho là nguy cơ gây ra tai nạn là có, nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định nào buộc cẩu tháp không được lấn sang nhà khác hay chìa ra đường. Vì vậy, người dân chỉ có cách là chú ý quan sát và né tránh.

 

Tùng Nguyên