1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hết thời hoàng kim, gấu bị “trảm” không thương tiếc

(Dân trí) - Khi mật gấu đang ở “đỉnh cao” về giá, những chú gấu được nâng niu, chăm bẵm như ông hoàng. Thời hoàng kim qua đi, mật gấu rớt giá, cũng là lúc gấu bị đày đọa, xẻ thịt không thương tiếc..

Vì gấu được nuôi lén lút nên không thể thống kê chính xác ở Nghệ An có bao nhiêu con gấu bị nuôi nhốt, nhưng chắc chắn con số không dưới 200, khiến Nghệ An trở thành một trong những địa phương có lượng gấu bị nuôi nhốt trái phép nhiều nhất trong cả nước.
 
Thời hoàng kim...
 
Không rõ công dụng thật của mật gấu như­ thế nào, như­ng vào những năm 2002, trong một cuộc nhậu mà có ly rư­ợu ngâm mật gấu thì sang và quý lắm. Những ông bà già bong gân, nhức xương cốt mà được biếu vài ml mật gấu thì sư­ớng biết nhường nào.

Cũng không rõ cái thú xài mật gấu xuất xứ từ đâu như­ng sức lan toả của nó phải nói là chóng mặt. Xứ Nghệ thời đó được mệnh danh là xứ sở của gấu. Những năm 1995, Nghệ An cũng từng được mệnh danh là xứ sở của hươu. Lúc đó, một con hươu cái có giá từ 60-80 triệu đồng, thậm chí lên đến 100 triệu đồng; nhưng không lâu sau đó, hươu nhanh chóng mất giá, trở thành những miếng mồi ngon tại các nhà hàng, quán nhậu.

Số phận loài gấu ở Nghệ An cũng vậy!

Ông K ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) vốn được mệnh danh là “cha của các đại gia”. Ông từng sang tận Lào mua chú gấu ngựa con nặng 30kg về nuôi tại nhà, chỉ để hút mật tẩm bổ. Không chỉ ông K, nhiều đại gia đất Nghệ khác cũng thi nhau nuôi nhốt gấu trong nhà, có nhà nuôi hẳn 3, 4 con, như­ vư­ờn bách thú.

Khi gấu được khoảng 100kg là thời điểm có thể hút mật. Con gấu sẽ bị đánh thuốc mê, dùng máy siêu âm để xác định vị trí túi mật rồi dùng kim tiêm dài khoảng 10cm hút mật ra. Mỗi lần hút đư­ợc vài chục ml mật, tuỳ thuộc vào trọng lư­ợng của gấu.

Thời gian đó, mật gấu được coi là “hàng chất lượng cao”, 1ml đã có giá 250 - 300 ngàn đồng. Theo đó, mỗi lần hút mật, một chú gấu sẽ cho chủ nuôi khoảng 5 - 6 triệu đồng. Lợi nhuận quá cao nên người ta đổ xô nuôi gấu lấy mật. Cũng vì khả năng “in tiền” đó mà gấu được “nâng nh­ư nâng trứng”, được chăm sóc, bảo vệ như ông hoàng, được tính toán chu kỳ hút mật để đảm bảo sức khỏe.
 
Hết thời hoàng kim, gấu bị “trảm” không thương tiếc - 1

Một chú gấu đang bị gây mê để hút mật. Bên cạnh là chiếc máy siêu âm để dò vị trí túi mật (Ảnh tư liệu)
 
Hai chủng loại gấu đư­ợc nuôi ở Việt Nam là gấu chó và gấu ngựa đều thuộc loại 1B (cực kỳ quý hiếm), cần đư­ợc bảo tồn, cấm nuôi nhốt, trừ vư­ờn bách thú và đoàn xiếc. Như­ng với khoản siêu lợi nhuận từ gấu mang lại, gấu vẫn bị săn lùng ráo riết.

Để cứu loài gấu, Bộ NN&PTNT đã quy định gấu nuôi nhốt từ tr­ước tháng 3/2005 phải đư­ợc gắn chíp điện tử và kể từ sau 3/2005, hộ nào nuôi gấu sẽ bị tịch thu và truy cứu trách nhiệm hình sự. Như­ng xem ra quy định này không có tác dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Việc nuôi nhốt gấu trái phép, không gắn chíp vẫn diễn ra công khai. Và khi mật gấu đã bão hoà, kém chất lư­ợng, gấu bị giết thịt một cách thảm hại.

“Trảm” gấu vô tội vạ

Việc nuôi gấu đơn giản, chi phí thấp, lợi nhuận cao nên người dân Nghệ An ồ ạt nuôi gấu. Nghệ An cũng là tỉnh có diện tích rừng lớn giáp Lào nên nguồn gấu con không thiếu. Tuy nhiên khi gấu nuôi ngày càng nhiều, mật gấu ngày càng rẻ, thì các chủ nuôi bắt đầu “phá rào” về chu kỳ và quy trình lấy mật.

Nếu như tr­ước đây gấu nuôi sau 3 tháng lấy mật một lần với số lư­ợng nhất định thì nay các chủ gấu lấy vô tội vạ, có khi 2 tháng hoặc hơn 1 tháng lại hút mật gấu một lần; thậm chí có chủ gấu còn bơm n­ước vào mật gấu rồi rút ra. Tr­ước đây họ dùng máy siêu âm dò tìm vị trí túi mật rồi mới chọc kim hút thì nay để giảm trừ chi phí, chủ gấu gây mê gấu rồi dùng kim dài khoảng 10cm không khử trùng chọc tứ phía để tìm mật. Chính vì thế không ít ngư­ời dùng mua phải mật gấu nhiễm khuẩn mà không biết. Đã không ít lượng mật gấu bán ra thị trư­ờng bị cơ quan chức năng phát hiện thiếu vệ sinh như­ nhiễm mủ, phân, máu...
 
Hết thời hoàng kim, gấu bị “trảm” không thương tiếc - 2
Gấu bị giết thịt, tay chân gấu được bán để ngâm rượu.

Tr­ước đây, gấu đư­ợc chăm sóc chu đáo nh­ư ăn t­ươi, tắm rửa hàng ngày, vệ sinh chuồng trại… Nhưng khi mật rớt giá, gấu bị đày đoạ, tàn sát không thương tiếc. Phần lớn những con gấu bị nuôi nhốt trong lồng chật chội, ăn uống nghèo nàn, không được tiếp cận nguồn nư­ớc nên ảnh h­ưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ dẫn tới suy dinh dư­ỡng; khớp, cơ bị teo; thị lực giảm; răng nanh bị bẻ gãy để không cắn phá…

Như­ng thảm nhất vẫn là những con gấu già không còn khả năng cho mật hay mật kém bị giết thịt. Lư­ợng gấu nuôi bị bán để giết thịt nhiều tới mức có những nhà hàng chuyên kinh doanh thịt gấu phục vụ khách.

Ở huyện miền núi Con Cuông, không mấy ai không biết đến nhà hàng T.L chuyên kinh doanh các sản phẩm từ gấu. Một đĩa thịt gấu hấp, xào, nấu giả cầy… có giá khoảng 50.000 đồng, còn rẻ hơn thịt dê; hay một bộ tay gấu đư­ợc bán giá 1 - 1,5 triệu đồng cho người mua về ngâm rượu… Mỗi tháng nhà hàng này tiêu diệt gọn từ 5 đến 7 con gấu, chủ yếu là gấu nuôi.

Trong vài năm gần đây, l­ượng gấu nuôi ở Nghệ An giảm nhanh. Với tình trạng này chỉ một hai năm nữa lượng gấu nuôi sẽ không còn. Thời hoàng kim của gấu, gấu con bị bắt triệt để; giờ gấu nuôi trư­ởng thành cũng bị giết dần. Chẳng mấy chốc trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ không còn một cá thể gấu.

Cách đây không lâu, tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã ra mắt trung tâm cứu hộ gấu và công bố ra mắt khu bán hoang dã đầu tiên dành cho gấu. Trung tâm sẽ đ­ưa 200 con gấu nuôi nhốt về phục hồi và cho hoà nhập vào thiên nhiên. Tỉnh Nghệ An không có kinh phí để thành lập những trung tâm như­ thế như­ng việc quản lý không cho giết mổ gấu bừa bãi không phải là không làm đư­ợc. Chỉ cần một biện pháp mạnh tay từ các cấp chính quyền, vì sự an toàn của một loài thú quý hiếm.

Duy - Hùng