Quảng Trị:
Hệ lụy từ những cuộc hôn nhân “vô thừa nhận”
(Dân trí) - Từ bên kia biên giới, họ nhận lời chung sống với nhau, đám cưới diễn ra đơn giản theo phong tục địa phương. Tuy nhiên, những cuộc hôn nhân “vô thừa nhận” này đã nảy sinh nhiều hệ lụy, và khó khăn lớn nhất vẫn là việc nhập quốc tịch…
Qua nhiều chuyến công tác tại vùng miền núi phía tây Quảng Trị, chúng tôi được nghe lãnh đạo các địa phương chia sẻ về tình trạng người dân không quốc tịch đang sinh sống trên địa bàn. Những người này về ở với nhau mà không đăng ký kết hôn, không đủ điều kiện để nhập quốc tịch theo quy định. Chính điều này đã khiến các cơ quan chức năng địa phương “gặp khó” trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh sau hôn nhân, và giữ gìn an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Chưa đăng ký kết hôn vẫn sống chung
Theo thông tin Công an xã Hướng Phùng cung cấp, chúng tôi đã tìm gặp vợ chồng anh Hồ Ka Pơ và chị Hồ Thị Nữ, hiện đang sinh sống ở bản Chênh Vênh. Anh Pơ lấy chị Nữ (ở Sê Pôn, Lào) từ năm 1996. Hiện anh chị này đã có 3 người con, 2 trai, 1 gái, đặc biệt con gái lớn đã lấy chồng nhưng hai vợ chồng anh vẫn chưa đăng ký kết hôn. Chị Nữ kể: “Hồi đó anh Pơ gặp miềng, 2 người thấy hợp nhau thì lấy thôi chứ có biết chuyện đăng ký như cán bộ nói mô (đâu). Hai vợ chồng sau đó cũng làm vài mâm để mời bà con, họ hàng chung vui rồi cứ thế sống với nhau và sinh con”.
Ngoài bản Chênh Vênh cũng còn hàng chục cặp vợ chồng ở các bản: Xa ri, Kợp, Cheng…chưa đăng ký kết hôn nên chưa đủ điều kiện nhập hộ khẩu. Anh Nguyễn Chí Công, Công an viên bản Kợp dẫn chúng tôi đến nhà anh Hồ Văn Hồng. Anh Hồng lấy chị Hồ Thị Xum (ở bản Ka do, Sê Pôn) từ 5 năm nay, nhưng vẫn chưa đăng ký. Cũng giống như anh Pơ, hai vợ chồng anh Hồng gặp nhau rồi nhận lời về ở chung, sinh được 1 con trai, 1 con gái. Đám cưới của họ cũng chỉ tổ chức sơ sài cho có lệ rồi lại quần quật với nương rẫy để kiếm sống.
Anh Công nói: “Hầu hết các hộ đều thuộc diện khó khăn, di cư tự do nên rất khó kiểm soát được họ đi đâu, làm gì? Chủ yếu là họ gặp nhau rồi về ở chung, sinh con đẻ cái. Những người này không có một loại giấy tờ tùy thân nào của nước bạn cấp nên rất khó giải quyết đăng ký kết hôn, nhập hộ khẩu chứ chưa nói đến chuyện nhập tịch cho họ. Cũng vì chưa được pháp luật chứng thực về hôn nhân, chưa nhập hộ khẩu nên những chính sách trợ cấp của Nhà nước đối với bà con vùng cao, phiếu khám chữa bệnh họ cũng không có”.
Cần đơn giản hóa các thủ tục
Trong cuộc khảo sát được tổ chức vào giữa năm 2013 của Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị và một số ban, ngành chức năng tại 18 xã, thị trấn thuộc 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa cho thấy, hiện có gần 300 cặp vợ chồng đang chung sống với nhau, có yếu tố nước ngoài nhưng chưa đăng ký kết hôn. Những đôi vợ chồng nói trên sống chủ yếu ở các khu vực biên giới giáp ranh thuộc xã: A Vao, Ba Tầng, Pa Lin, A Dơi… Điều đó cho thấy, tình trạng hôn nhân chưa được pháp luật thừa nhận tại Quảng Trị vẫn còn khá phổ biến.
Được biết, mới đây Hội Luật gia tỉnh này cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương để hỗ trợ, tư vấn và hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc đăng ký kết hôn cho người dân. Theo đó, các đơn vị đã tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho 226/287 cặp vợ chồng có yếu tố nước ngoài (chủ yếu là người Lào). Hiện vẫn còn hơn 70 trường hợp chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn vì không có cơ sở.
Liên quan đến những vướng mắc trong việc xác lập tình trạng hôn nhân đối với những hộ này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Công Hoan, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị. Ông Hoan cho biết, việc giải quyết những vấn đề liên quan đến kết hôn không giá thú, hộ tịch vẫn còn nhiều khó khăn vì hầu hết những người này không có bất kỳ một loại giấy tờ nào theo quy định của pháp luật để chứng minh tình trạng thân nhân của họ. Ngoài ra, việc cha mẹ là những người kết hôn không giá thú, không đăng ký khai sinh cho con nên cũng không có cơ sở và căn cứ pháp lý để giải quyết những vấn đề liên quan đến thân nhân, quốc tịch. Và hệ lụy của vấn đề này là hàng trăm đứa trẻ sinh ra không đủ điều kiện để khai sinh, gây ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các em sau này.
Ông Hoan cho rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là do quy định các trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn được thể hiện ở quá nhiều văn bản, khiến cho việc tiếp cận pháp luật của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn. Thêm vào đó, do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền nơi di cư nên nhiều trường hợp muốn xin xác thực tình trạng hôn nhân thì không thực hiện được. Phần lớn công dân Lào đã sinh sống ổn định tại khu vực biên giới Việt Nam nên không thể về Lào để xin xác nhận đã có vợ, chồng do điều kiện kinh tế khó khăn, việc xuất nhập cảnh phải qua nhiều thủ tục.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 68/CP thì khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, công dân của nước láng giềng phải xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân nước đó thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Trong trường hợp không có giấy tờ tùy thân thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam kèm theo giấy tờ tùy thân khác của đương sự để kiểm tra…Điều này cũng là không tưởng do nhiều người là dân di cư, nhập cư trái phép, hoặc là hệ quả của chính sách hoạch định biên giới…
“Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề quốc tịch thì trước tiên phải xác lập tình trạng hôn nhân cho các đối tượng này. Tức là phải đơn giản hóa các thủ tục để hợp lý hoá mối quan hệ hôn nhân gia đình giữa họ với công dân Việt Nam. Đối với những trường hợp không thể lấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì giải quyết theo hướng để họ tự cam đoan và chịu trách nhiệm cá nhân về tình trạng hôn nhân của mình” – ông Hoan nói.
Giải pháp nào tháo gỡ vướng mắc?
Để góp phần giải quyết tình trạng quốc tịch của dân di cư tự do tại các địa phương, đặc biệt là dân di cư ở khu vực biên giới như đã nêu trên, tại Điều 22, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định:“Người không quốc tịch mà không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ hai mươi năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Sa Huỳnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cho biết, theo số liệu khảo sát gần đây cho thấy hiện có khoảng trên 350 người không có quốc tịch đang sinh sống trên địa bàn, chủ yếu là ở 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Hầu hết họ là người Vân Kiều sinh sống tại các xã biên giới Quảng Trị, nhưng khi hoạch định biên giới thì nhóm này thuộc công dân Lào. Khoảng từ sau năm 2000, những người này trở về Quảng Trị (Việt Nam) nhập cư và sinh sống cho đến nay.
Phần lớn họ không có đủ các giấy tờ về nhân thân như: giấy khai sinh, giấy chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu Việt Nam,… hoặc thuộc diện người có công với cách mạng; không có đủ thời gian cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên nên không đủ điều kiện để nhập tịch theo quy định tại điều 22. Những công dân này đều bày tỏ mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam nhưng theo luật thì không thực hiện được. Về vấn đề này, Sở cũng đã báo cáo lên tỉnh để kiến nghị Bộ Tư pháp xin ý kiến hướng dẫn về cách thức thực hiện, nhưng đến nay Bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Cũng vì chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch nên những người này chịu nhiều thiệt thòi, không được hưởng những quyền lợi do nhà nước quy định. Bên cạnh đó, họ cũng mất đi những quyền tối thiểu và nghĩa vụ của một công dân đang sống trên lãnh thổ Việt Nam, con cái họ sinh ra cũng gặp nhiều khó khăn trong việc khai sinh…Ngoài ra, việc có quá nhiều người không quốc tịch sinh sống trên địa bàn cũng gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, vì vậy đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị khu vực biên giới” – ông Huỳnh nói.
Đăng Đức