Hé lộ tác nhân gây nứt vỡ đường băng, uy hiếp an toàn ở sân bay Vinh
(Dân trí) - Qua khảo sát, đơn vị tư vấn đánh giá giữa 2 lớp bê tông nhựa của đường băng sân bay Vinh có dấu hiệu không bám dính với nhau, dẫn đến tình trạng bong tróc khi chịu lực kéo ngang và tải trọng lớn.
Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo bộ GTVT nguyên nhân sơ bộ liên quan sự cố hư hỏng đột xuất đường băng sân bay Vinh (Nghệ An) hôm 3/7. Đây là sự cố hàng không mức C, uy hiếp an toàn dẫn đến việc đóng cửa tạm thời đường băng.
Phi công phát hiện sự cố
Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), vào 9h33 ngày 3/7, chuyến bay VN1261 trên đường ra vị trí cất cánh tại sân bay Vinh, cơ trưởng lúc này phát hiện các mảng bê tông nhựa bị bong bật ở đầu đường băng.
Sự việc được báo ngay cho Đài kiểm soát không lưu Vinh. Sân bay sau đó đã kiểm tra hiện trường và ghi nhận đường cất hạ cánh có hiện tượng bong bật, nứt vỡ bề mặt bê tông nhựa với diện tích 41,6m2 (chiều rộng 5,2m, chiều dài 8m).
Ngay sau khi phát hiện sự cố, sân bay Vinh đã kéo chuyến bay VN1261 trở lại sân đỗ, hủy gấp 21 chuyến bay và báo cáo sự cố cho Cảng vụ hàng không khu vực để tạm thời đóng cửa sân bay.
Cục Hàng không đã cử đoàn kiểm tra tới hiện trường. ACV cũng yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH MTV thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp sửa chữa khẩn cấp để đảm bảo khai thác.
Sân bay đã tiến hành sửa chữa, trám vá nhưng chỉ khôi phục được kết cấu của 2 lớp bê tông nhựa bề mặt nhằm duy trì khai thác tạm, chưa thể xử lý triệt để được hư hỏng của các lớp kết cấu bên dưới.
Nguyên nhân sơ bộ
Theo báo cáo của ADCC, sau khoảng 5 năm khai thác kể từ thời điểm duy tu sửa chữa gần nhất, bề mặt đường băng sân bay Vinh đã có dấu hiệu xuống cấp. Lớp bê tông nhựa trên cùng dày 7cm không liên kết dính bám với lớp bê tông bên dưới.
Bên cạnh đó, yếu tố bất lợi của thời tiết (nhiệt độ cao kỷ lục tại TP Vinh trên 40⁰C, nhiệt độ mặt đường băng cao nhất trong ngày có thể lên trên 50⁰C) đã làm giảm sức chịu tải của mặt đường, khiến lớp bê tông nhựa mặt đường dễ hằn lún, biến dạng và bong bật.
ACV cho biết các yếu tố trên kết hợp với việc vị trí hư hỏng nằm tại vị trí máy bay quay đầu và cất cánh (vị trí xung yếu, chịu lực kéo ngang và chịu tải trọng lớn khi cất cánh) càng dễ gây hư hỏng, biến dạng, bong bật bê tông nhựa mặt đường bên trên.
Mặt khác, việc khai thác đường băng với tần suất lớn hơn tính toán khiến cho các hư hỏng phát triển nhanh hơn, làm giảm tuổi thọ công trình và giảm thời gian cần sửa chữa định kỳ (từ 5 năm có thể xuống còn 2-3 năm).
ACV khẳng định mặt đường băng đã có dấu hiệu bị hư hỏng, phù hợp với thời điểm phải tiến hành sửa chữa theo Thông tư 37 năm 2017 của Bộ GTVT.
Trong báo cáo này, ACV cũng lưu ý chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố. Các vấn đề nêu trên là đánh giá sơ bộ.
Sau sự cố này, Cục Hàng không đánh giá hệ thống đường băng tại các sân bay (trừ Vân Đồn, Nội Bài và Tân Sơn Nhất mới đưa vào khai thác) đều đã cũ, hết tuổi thọ thiết kế và xuất hiện tình trạng hư hỏng.
Vì vậy, đơn vị này cho rằng cần rà soát, đánh giá toàn diện để xây dựng kế hoạch, phương án sửa chữa lớn, nâng cấp nếu cần thiết.
Đường cất hạ cánh sân bay Vinh được đưa vào sử dụng từ năm 1993-1994 và được tăng cường làm mới từ năm 2003. Lần duy tu, sửa chữa đường băng gần nhất là vào năm 2018.
Theo kết quả khảo sát hiện trạng, lớp bê tông nhựa bề mặt đường băng đã bị biến dạng, hằn vệt bánh xe, nứt dọc, nứt rạn chân chim, nứt rạn da cá sấu, bong bật cốt liệu bê tông nhựa...
Các hư hỏng này đã khiến chất lượng mặt đường giảm sút, ảnh hưởng đến an toàn bay tại sân bay Vinh. Bên cạnh đó, kết quả khoan đánh giá chất lượng các lớp bê tông nhựa mặt đường cũng cho thấy hai lớp trên cũng không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn thiết kế.
ACV đánh giá cần phải có biện pháp sửa chữa cải tạo để đảm bảo hoạt động khai thác của sân bay Vinh trong khi chờ các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện nâng cấp đồng bộ đường băng.