1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hé lộ đường dây nhập tàu “ma”

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khai thác thuỷ sản Đại Dương đã gửi công văn đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn, xin làm thủ tục nhập khẩu 1 tàu đánh cá mang tên Masuei Maru 08, xuất xứ Nhật Bản. Nhưng có mặt tại VN lại là tàu Lina 02, xuất xứ Indonesia.

Đường đi của chiếc tàu “ma”

 

Theo giải trình của Cty Đông Dương, con tàu được mua từ Nhật Bản, bên bán tự chạy tàu từ Nhật về Việt Nam và cập cảng Biển Đông (TPHCM) vào ngày 16/6/2005. Song trên thực tế, sự việc không chỉ đơn giản như vậy.

 

Ngày 11/10/2004, Cty TNHH Thương mại dịch vụ khai thác thuỷ sản Tân Biển Đông (Cty TBĐ) đã ký hợp đồng thuê tàu với  Công ty TNHH Đông Nam Á của Nhật Bản (hợp đồng TBĐ/SEA-11CTTBĐ). Chiếc tàu thuê được cho là tàu Nhật, dưới 15 tuổi, có tên là Masuei Maru 08. Cty TBĐ sau đó đã làm thủ tục nhập tàu thông qua Đại lý Saigon Cuulong Logistic and Trading Co.Ltd.

 

Tuy nhiên, khi chiếc tàu được nhập về đến VN và neo đậu tại khu vực K17 cảng Lotus, lại không phải là tàu Masuei Maru 08 mà lại có tên Lina 02, quốc tịch Indonesia. Ngày 27/4/2005, Cty TBĐ đã bàn giao tàu Lina 02 cho Cty Đông Dương theo hợp đồng mua bán giữa Cty Đông Dương với Cty Đông Nam Á ngày 16/2/2005.

 

Vụ mua bán con tàu với giá 70.000 USD, tương đương hơn 1 tỷ đồng, thuế nhập khẩu và VAT được tính là hơn 170 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận, Cty Đông Dương đã đưa tàu Lina 02 về Xí nghiệp sửa chữa tàu Nhà Bè để sửa chữa một số hạng mục, trước khi cho đăng kiểm.

 

Thủ tục đăng kiểm tàu đã được Cty Đông Dương tiến hành một cách êm xuôi. Thực chất tàu nhập về là Lina 02, “già” hơn đến 16 tuổi, có xuất xứ Indonesia, nhưng Chi cục Đăng kiểm số 6 vẫn  có biên bản kiểm tra số 2185/05SG, ngày 20/6/2005 xác nhận rằng: “Tàu Masuei Maru 08 là tàu câu cá ngừ của Nhật Bản, đóng năm 1994, đạt yêu cầu cho nghề khai thác thuỷ sản”.

 

Chính vì dựa  vào kết quả đăng kiểm này mà Cục Đăng kiểm VN đã có văn bản xác nhận tàu Masuei Maru 08 có trạng thái kỹ thuật thoả mãn để hoạt động trong vùng biển VN, và đề nghị Bộ GTVT quyết định việc cấp phép mua tàu. Ngày 29/8/2005, bộ đã cấp giấy phép số 09/2005/GPMB cho Cty Đông Dương được phép mua con tàu “ma” Masuei Maru 08.

 

Tàu “ma” qua mặt đăng kiểm!

 

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải đang xử lý vụ việc cho rằng: Không thể loại trừ đây là những con tàu đã bị bọn cướp biển tấn công. Sau khi cướp, bọn chúng kéo tàu về “mông má” lại nhằm che giấu lai lịch, rồi đem đi bán.

Vụ nhập con tàu “ma” Masuei Maru 08 vào VN có nhiều ẩn khuất lạ lùng. Cả Cty TBĐ và Cty Đông Dương đều do ông Lê Xuân Ninh làm giám đốc. Nhưng ông lại phải làm một cuộc đi vòng và dích dắc - từ hợp đồng thuê tàu với  Cty Nhật để nhập về VN, sau đó Cty TBĐ làm hợp đồng chuyển giao cho Cty Đông Dương. Và khi tàu về đến tay bên mua, nó còn được mang đi “mông má” trước khi được kiểm định. Trạng thái kỹ thuật được công nhận khi đăng kiểm liệu có phải là chất lượng thực sự của một con tàu đã được sử dụng 27 năm?

 

Còn nữa, ba đăng kiểm viên của Chi cục Đăng kiểm số 6 đã để lọt lưới chiếc tàu Lina 02 ẩn sau hồ sơ tàu Masuei Maru 08, nhưng lại không hề hay biết? Sau khi vụ việc vỡ lở, những đăng kiểm viên mới thừa nhận rằng: “Khi kiểm tra, không thấy thể hiện tên tàu Masuei Maru 08, trên mạn tàu, việc ghi kết quả kiểm tra về xuất xứ, năm sản xuất con tàu là căn cứ vào chứng thư, thực tế trên tàu không thể hiện”.

 

Điều lạ lùng và không thể chấp nhận được là các đăng kiểm viên đã bỏ qua những nghi vấn nghiệp vụ, cho dù trên tàu không có chi tiết gì thể hiện là tàu  Masuei Maru 08, nhưng họ vẫn “ngây thơ” (?) tin rằng chính là chiếc tàu này.

 

Và một khi họ đã thân chinh lên tàu trực tiếp kiểm tra, không thấy khớp giữa chiếc tàu thực và hồ sơ, nhưng vẫn “nhắm mắt” cho qua mà không hề yêu cầu Cty mua tàu chứng minh điều chưa rõ ràng này.

 

Dư luận hoàn toàn có thể đặt vấn đề, cách xử lý như thế của các đăng kiểm viên đã có dấu hiệu tiêu cực.

 

Theo Trần Quang  - Hồng Thụy

Lao Động