1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hầu hết địa phương “lờ” trích 30-50% tiền sử dụng đất làm nhà ở xã hội

(Dân trí) - Trước khi bước vào phiên chất vấn, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền báo cáo cụ thể kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri nửa năm qua. Chuyên đề giám sát việc giải quyết khó khăn nhà ở với người thu nhập thấp được đặc biệt chú ý.

Tại kỳ họp đầu năm 2014 (kỳ họp thứ 7), cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.216 kiến nghị, 1.795 kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 133 kiến nghị trong số đó được gửi đến các cơ quan của Quốc hội, tập trung vào vấn đề xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, hoạt động giám sát tối cao và đổi mới hoạt động của Quốc hội. 1.067 kiến nghị được gửi đến Chính phủ, các Bộ ngành để trả lời cử tri.

Trưởng Ban Dân nguyện tập trung báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.
Phiên họp toàn thể của Quốc hội tại phòng họp Diên Hồng - Hội trường Ba Đình (ảnh: Minh Thanh).
Phiên họp toàn thể của Quốc hội tại phòng họp Diên Hồng - Hội trường Ba Đình (ảnh: Minh Thanh).

Thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 772 đô thị với khoảng 30,3 triệu dân, trong đó số hộ dân có nhu cầu về nhà ở tương đối lớn (282.000 căn hộ, tương ứng 11,28 triệu m2). Đến năm 2015, nhu cầu nhà ở sẽ tăng thêm khoảng 66.000 căn hộ, tương ứng 2,64 triệu m2. Tổng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị từ nay đến 2020 sẽ vào khoảng 432.000 căn hộ, tương ứng 17,28 triệu m2 sàn.

Với các chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, đến nay, cả nước đã có 38 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hoàn thành với tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 19.680 căn hộ. 91 dự án khác đang tiếp tục triển khai, với số vốn gần 20.000 tỷ đồng, sẽ mang lại sản phẩm là khoảng 55.800 căn hộ.

Hà Nội được điểm danh trong bản báo cáo với 9 dự án, đã đưa vào sử dụng được xấp xỉ 5.000 căn hộ. 14 dự án khác đang triển khai với quy mô xây dựng gần 12.000 căn hộ. TPHCM có 4 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, đưa vào sử dụng 379 căn hộ, đang triển khai 11 dự án với quy mô hơn 7.800 căn hộ. Đồng Nai xây dựng được gần 1.400 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho 8.100 người. Bình Dương đã đầu tư xây dựng 7.200 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho 8.100 người.

Về nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp, số liệu thống kê cho thấy tính đến tháng 4 năm nay, cả nước có 289 khu công nghiệp, khu kinh tế, thu hút khoảng 2,1 triệu lao động (chưa tính hàng triệu công nhân, người lao động tại các xí nghiệp, cơ sở trong các cụm công nghiệp vừa và nhỏ). Theo quy hoạch, đến 2020, số lao động này sẽ tăng lên 7,2 triệu người trong đó 4,2 triệu người có nhu cầu về chỗ ở, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà.

Thực hiện chủ trương đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 64 dự án nhà ở cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 20.277 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng. Có 59 dự án khác đang triển khai với quy hô gần 67.000 căn hộ.

Hà Nội, TPHCM tiếp tục được nhắc đến với những kết quả cụ thể về đầu tư nhà ở cho công nhân. Hà Nội hiện đã có hơn 2.000 căn hộ, 9 dự án đang triển khai sẽ mang lại gần 39.000 căn hộ nữa. TPHCM hiện đã hoàn thành 2.600 căn hộ, tới đây sẽ có thêm 1.600 căn hộ nữa. Tại Bình Dương, TCty Becamex đã đầu tư được 64.000 căn hộ. Đồng Nai ghi nhận Tcty Idico xây dựng được 10.000 căn hộ.

Dù vậy, số lượng nhà xây dựng mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nhà ở của công nhân. Một số tỉnh thành lớn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, số lượng công nhân lớn nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân như Đà Nẵng, Hải Phòng… Phần lớn công nhân vẫn đang phải thuê trọ tại nhà dân ở các khu dân cư với điều kiện sinh hoạt khó khăn, môi trường không đảm bảo…

Yêu cầu về nơi ở cho sinh viên cũng không kém bức xúc. 2015 tới, cả nước sẽ có khoảng 5 triệu sinh viên cao đẳng, đại học, dạy nghề, trong đó 3,5 triệu sinh viên có nhu cầu ở trong ký túc xá. Trong khi theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trước năm 2009, cả nước mới giải quyết được 700.000 chỗ ở cho nhóm đối tượng này.

Nhà nước đã quyết định gành 12.600 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đề đầu tư 95 dự án nhà ở cho sinh viên trong giai đoạn 2009 – 2015. Đến nay, 73% khối lượng công việc đã hoàn thành, mang lại 145.000 chỗ ở. Bộ Xây dựng dự kiến hết năm nay sẽ có thêm 18 dự án kết thúc giai đoạn xây dựng để đưa vào sử dụng 330.000 chỗ ở cho sinh viên.

Ghi nhận những con số đạt được nhưng báo cáo giám sát của UB Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ tồn tại khi việc đầu tư nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng này rất hạn chế. Hầu hết các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc trích lập nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội từ việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Việc trích 30% đến 50% tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn cũng thường bị quên, nên nguồn vốn để đầu phát triển nhà ở xã hội còn rất khó khăn.

Nhiều nguyên nhân được nhắc tới, trong đó có việc quy định để thu hút đầu tư nhà ở xã hội chưa hấp dẫn hơn so với nhà ở thương mại. DN chỉ cần vốn pháp định 6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu từ 15-20% tổng vốn đầu tư đã có thể tham gia làm nhà thương mại mà thu lợi nhuận cao, nhanh hơn, dễ huy động vốn của khách hàng nên lĩnh vực nhà ở xã hội chưa được quan tâm nhiều.

Việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở cũng còn hạn chế, vướng nhiều khó khăn về thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở nên các đối tượng được hưởng chính sách không đủ hồ sơ làm cơ sở để tiếp cận được nguồn vốn vay.

P.Thảo