Nghệ An:
"Hắt hủi" điện thoại công cộng
(Dân trí) - Hàng trăm bốt điện thoại thẻ được dựng lên để phục vụ dân nghèo. Thế nhưng nó chỉ phát huy hiệu quả được hơn 1 năm rồi rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Trong khi đó, Công ty Viễn thông lại không có hướng xử lý vì.. thiếu người và thiếu kinh phí!
Những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, để theo kịp xu hướng phát triển của xã hội và cũng để người dân nghèo có điều kiện tốt hơn trong việc thông tin liên lạc, tỉnh Nghệ An cũng đã lắp đặt hệ thống các cột điện thoại thẻ ở trung tâm thành phố Vinh cũng như các thị trấn cấp huyện. Ở thời điểm đó, kinh phí đầu tư cho hệ thống bốt điện thoại thẻ này là một con số không nhỏ. Tuy nhiên như ông Lương Cảnh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Viễn thông Tp Vinh cho biết, thì hệ thống điện thoại công cộng này chỉ thực hiện phát huy tác dụng trong một thời gian rất ngắn, chừng hơn 1 năm.
“Thời đó, điện thoại di động chưa phát triển, người lao động nghèo cũng chưa có điều kiện để lắp điện thoại cố định nên điện thoại thẻ được xem là một phương tiện liên lạc của người nghèo. Hơn nữa, việc lắp đặt các cột điện thoại thẻ ở các tuyến đường cũng rất tiện cho người dân khi cần liên lạc”, ông Tuấn cho hay.
Vào thời điểm đó, chỉ trong nội thành thành phố Vinh đã có tới khoảng 100 bốt điện thoại thẻ phục vụ người dân. Và thực sự nó trở thành phương tiện liên lạc phổ biến, dễ sử dụng và dễ quản lý cước đối với người nghèo. Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 năm được xây dựng, cùng với sự phát triển như vũ bão của điện thoại di động, điện thoại thẻ dần bị rơi vào quên lãng.
Sau gần 20 năm có mặt tại Nghệ An, hiện nay trên các tuyến đường lớn của thành phố Vinh như: Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Thi, Đinh Công Tráng, Lê Hồng Phong… người đi đường dễ dàng bắt gặp các buồng điện thoại thẻ công cộng đã bị hư hỏng hoặc “đắp chiếu” vì không được sử dụng qua một thời gian dài. “Điện thoại di động vừa rẻ, vừa tiện, lại hay được khuyến mại chứ điện thoại thẻ phí đắt hơn, không được hưởng các chương trình khuyến mãi như giảm cước, cộng thời lượng đàm thoại lại bất tiện khi cần lại phải chạy ra đường”, một người dân lý giải về việc “nói không với điện thoại thẻ”.
Hầu hết các bốt điện thoại công cộng không còn nguyên trạng. Thay vào đó là tình trạng hư hỏng nặng, phần kính bị đập vỡ nát, cột sắt gỉ sét nham nhở, cột xiêu vẹo ngã nghiêng và phủ kín bằng vô số tờ rơi, rao vặt quảng cáo. Có những bốt đã bị biến thành thùng đựng rác, kho chứa đồ hay trở thành am thờ của người dân hoặc trở thành nơi để các đối tượng nghiện chích thuốc. Hệ thống bốt điện thoại thẻ công cộng bị hư hỏng, không còn sử dụng nhưng không được thu hồi gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị.
Đơn vị quản lý “bỏ rơi”
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Cảnh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Viễn thông thành phố Vinh. Ông Tuấn thừa nhận việc hàng chục bốt điện thoại công cộng không được sử dụng, gây mất mỹ quan đô thị là có. Tuy nhiên, giải quyết số bốt điện thoại như thế nào thì đơn vị này vẫn chưa có giải pháp cụ thể.
Ông Tuấn cũng thừa nhận điện thoại công cộng không thể cạnh tranh được với điện thoại di động trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, việc người dân không dùng tới nữa là điều dễ hiểu. Thực tế cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng thẻ điện thoại bán ra hết sức hạn chế, thậm chí cả năm không bán được chiếc thẻ nào.
Chi phí lắp đặt, sữa chữa thì lớn nhưng nó lại không có giá trị tái sử dụng là bao nhiêu, hiện nay để sửa chữa hệ thống các bốt điện thoại công cộng cũng mất tới 150 triệu đồng nhưng sửa xong cũng không có người dùng. Biết là mất mỹ quan nhưng cái nào buộc phải dỡ thì dỡ, cái nào chưa phải dỡ, còn nguyên vẹn hay không ảnh hưởng tới người đi đường thì cứ để đó đã”, ông Tuấn cho biết thêm.
Không có kinh phí, nhân lực, không có kho bãi để tập kết các bốt điện thoại không còn sử dụng nên Trung tâm Viễn thông Tp Vinh gần như “bỏ rơi” đứa con của mình. Hậu quả là những chiếc bốt điện thoại công cộng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và oằn lưng thực hiện những nhiệm vụ không phải của mình.
Hoàng Lam