DNews

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8

Nhật Anh

(Dân trí) - K8 là kế hoạch sơ tán hơn 3 vạn học sinh, con em Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra các tỉnh phía Bắc năm 1966-1967, nhằm tránh thương vong ở vùng chiến sự, vừa để những người ở lại yên tâm chiến đấu.

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8

Kế hoạch lịch sử

Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị ngày nay) trở thành giới tuyến tạm thời, hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào 2 năm sau đó.

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8 - 1

Bom đạn Mỹ cày xới đôi bờ sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị (Ảnh tư liệu).

Thế nhưng, chính quyền Ngô Đình Diệm, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ đã từ chối tổng tuyển cử, phản bội lại Hiệp định Geneva, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự chia cắt 2 miền Nam - Bắc.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam.

Từ năm 1966, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân, phương tiện chiến tranh vào miền Nam, lăm le tấn công ra phía Bắc vĩ tuyến 17. Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa, nơi đối đầu khốc liệt giữa lực lượng của ta và địch.

Đứng trước sự ác liệt của cuộc chiến, Trung ương Đảng quyết định triển khai kế hoạch K8, K10 nhằm đưa hàng vạn người già, phụ nữ, trẻ em sơ tán ra miền Bắc.

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8 - 2

Đây là một chiến lược trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại, bảo đảm được nguồn lực tương lai cho đất nước; tạo điều kiện triển khai tác chiến vững chắc ở giới tuyến, đề phòng kẻ địch đánh chiếm Vĩnh Linh.

Trong 2 năm thực hiện (1966-1967), kế hoạch K8 đã đưa 3 vạn học sinh ra khỏi vùng ác liệt đến sinh sống, học tập ở các tỉnh miền Bắc.

Kế hoạch K8 được xem là cuộc "thiên di" lịch sử, mang tính chiến lược của Đảng, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhớ lại "chặng đường trường chinh", trong chiến dịch K8, ông Trần Xuân Trường, trú thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, nguyên Đại tá, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Linh, cho hay, đoàn học sinh K8 đầu tiên sơ tán vào cuối năm 1966. Hành trình được giữ bí mật, chỉ báo trước 2 ngày cho bố mẹ chuẩn bị.

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8 - 3

Ông An thăm lại địa điểm chia tay gia đình trước khi lên đường sơ tán (Ảnh: Nhật Anh).

Học sinh Vĩnh Linh ngày ấy ra đi để tìm sự sống, tìm tương lai, để bố mẹ, người lớn tuổi ở lại yên tâm chiến đấu. Chính quyền, nhân dân các tỉnh miền Bắc xem việc nuôi dạy con em Vĩnh Linh và một số ở bờ nam sông Bến Hải là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

"Học sinh sơ tán ngày ấy chia làm nhiều đợt, thậm chí chia nhỏ ra để đảm bảo an toàn. Gia đình có 3 con đi sơ tán phải chia ra đi 3 đợt. Có thể nói, hành trình của hơn 3 vạn học sinh K8 có một không hai trên thế giới. Trong hành trình gian nan, nguy hiểm năm đó, biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những người lính, thầy giáo đã đổ xuống để bảo vệ chúng tôi", ông Trường chia sẻ.

Hành trình sinh tử

Ông Nguyễn Hải An (68 tuổi, trú thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) là cựu học sinh K8. Cuộc sơ tán khỏi vùng chiến sự cách đây gần 60 năm là kỷ niệm không bao giờ quên với ông.

"Vĩnh Linh những năm chiến tranh, địch bắn phá ác liệt, nhà cửa bị tàn phá, mọi hoạt động đều được chuyển xuống lòng đất. Lúc đó, con đường sơ tán chi chít hố bom, sặc mùi thuốc súng...

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8 - 4

Cả ông An và vợ đều là học sinh được sơ tán ra Bắc những năm chiến tranh ác liệt (Ảnh: Nhật Anh).

Phải xa gia đình ai cũng bật khóc, thế nhưng bom đạn còn đáng sợ hơn nhiều, được động viên, chúng tôi hiểu rõ cuộc sơ tán này hết sức quan trọng. Sau gần 3 tháng vượt gian nan, bom đạn, tôi được đưa ra Ninh Bình học tập, được người dân ở đây cưu mang", ông An chia sẻ.

Với ông An và thế hệ học sinh đi sơ tán, những năm tháng ấy tuy khổ cực, buồn vì xa quê hương, gia đình, nhưng đổi lại họ không còn phải nghe tiếng đạn bom mỗi ngày, được học tập, rèn luyện. Như lời ông An, nếu không có cuộc "vạn lý trường chinh" năm ấy, có lẽ đã không có thế hệ K8 sau này.

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8 - 5

Hành trình sơ tán khỏi vùng chiến sự (Ảnh: Tư liệu).

Cũng như ông An, bà Trần Thị Hoài Mễ (73 tuổi), trú thành phố Đông Hà (Quảng Trị), cựu học sinh K8, năm 1967 lên đường sơ tán ra miền Bắc. 

"Lúc đó tôi học lớp 8, là người lớn nhất đoàn nên được giao nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ các em trong hành trình ra Ninh Bình. Đó là một chuyến đi gian nan, nguy hiểm, chúng tôi phải băng rừng, lội suối, có những lúc trời mưa to cũng phải cố gắng đi", bà Mễ tâm sự.

Hành trình K8 cũng có nhiều mất mát, đau thương, trong đó phải kể đến chuyến đi định mệnh của 40 học sinh xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, không may trúng bom Mỹ tại địa bàn xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8 - 6

Bia tưởng niệm học sinh K8 qua đời vì trúng bom trên đường sơ tán (Ảnh: Nhật Anh).

Trên chuyến xe đi sơ tán đó, 39 học sinh qua đời, 2 người may mắn sống sót. Để tưởng nhớ đến những người con của quê hương vĩnh viễn ra đi trên hành trình K8, Huyện đoàn Vĩnh Linh phối hợp với Hội cựu chiến binh huyện này dựng bia để tưởng niệm tại xã Vĩnh Hiền.

Trở về bảo vệ quê hương

Sau khi sơ tán ra huyện Tân Kỳ (Nghệ An), ông Nguyễn Xuân Trường và nhiều bạn bè cùng trang lứa tiếp tục chương trình lớp 7. Năm 1971, sau khi hoàn thành chương trình lớp 10 tại Tân Kỳ, ông Trường viết đơn xin nhập ngũ, trở về Quảng Trị tham gia chiến đấu. Theo ông Trường, thế hệ học sinh K8 khi hoàn thành khóa học, ai cũng muốn ra chiến trường, chiến đấu mong đất nước thống nhất.

Năm 1972, ông Trường được đưa vào Ban B (thuộc Ban Thống nhất Trung ương) để đào tạo, sau 3 tháng khẩn trương huấn luyện ở Quảng Bình, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 14 (K14, bộ binh), tỉnh Đội Quảng Trị.

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8 - 7

Khẩu đội 12 ly 7 của thiếu niên Vĩnh Linh chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ (Ảnh tư liệu).

Giai đoạn 1972-1973, ông Trường tham gia nhiều trận chiến ác liệt trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và các địa bàn lân cận. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, bản lĩnh, ông Trường được trao tặng Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 1,2,3…

Trở lại với bà Trần Thị Hoài Mễ, sau khi hoàn thành chương trình học tập, đầu năm 1972, bà cũng xin nhập ngũ, vào Quảng Bình để huấn luyện và đào tạo, rồi trở lại quê hương Vĩnh Linh tham gia lực lượng Ty An ninh Quảng Trị.

Bà được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cơ quan Tỉnh ủy, UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị. Đồng thời vô hiệu hóa các tổ chức, đối tượng phản cách mạng trong vùng giải phóng, vận chuyển đạn dược, lương thực cho các chiến sĩ, tham gia cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị.

Hành trình sinh tử trong kế hoạch K8 - 8

Bà Mễ cùng chồng ôn lại kỷ niệm những ngày đi sơ tán (Ảnh: Nhật Anh).

Đất nước thống nhất, bà Mễ được cử đi đào tạo, bổ sung cho Ty An ninh Quảng Trị, tham gia vào lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị cho đến khi về hưu.

"Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, chúng tôi được đi sơ tán, được học tập, rất nhiều người đã trở lại tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, không ít người trở thành lãnh đạo, lực lượng nòng cốt ở nhiều địa phương. Kế hoạch K8 đã góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước, đảm bảo nguồn nhân lực để xây dựng đất nước sau chiến tranh", bà Mễ nói.