Những màn chọi cờ, đấu loa mang khát vọng hòa bình ở vĩ tuyến 17
(Dân trí) - Sau Hiệp định Geneva, cầu Hiền Lương trở thành ranh giới chia cắt đất nước suốt 21 năm. Những năm tháng đó, tại vĩ tuyến 17 đã diễn ra những "cuộc chiến" hết sức đặc biệt.
Khát vọng thống nhất qua "cuộc chiến" màu sơn
"Sau Hiệp định Geneva, chính quyền miền Nam đã sơn một nửa cầu thành màu xanh. Để khẳng định quyết tâm thống nhất đất nước, chúng ta cũng sơn nửa cầu còn lại thành màu xanh. Thời gian sau đó, họ sơn màu gì, ta sơn màu ấy, thể hiện ý chí Nam - Bắc một nhà", bà Nguyễn Thị Hương (82 tuổi), trú xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nhân chứng sống của "cuộc chiến" màu sơn trên cầu Hiền Lương, kể lại.
Ngược dòng lịch sử, Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay) trở thành giới tuyến tạm thời, hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào 2 năm sau đó.
Thế nhưng, chính quyền Ngô Đình Diệm, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ đã từ chối tổng tuyển cử, phản bội lại Hiệp định Geneva với ý đồ biến vĩ tuyến 17 thành biên giới quốc gia.
Khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến, cầu Hiền Lương bị chia cắt, giữa cầu được vạch một đường chỉ ngang, sơn trắng, làm ranh giới 2 miền. Giai đoạn 1954-1967, nơi đây diễn ra những "cuộc chiến" không tiếng súng nhưng rất quyết liệt, cam go.
Nhớ lại "cuộc chiến" màu sơn diễn ra trên cầu Hiền Lương 70 năm trước, bà Hương cho hay, năm 1956 khi đang công tác tại ngành giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh, bà được cấp trên điều động về làm nhiệm vụ sơn cầu Hiền Lương với trọng trách đội trưởng.
Đội của bà Hương có 20 người cả nam và nữ, thời điểm đó, phía Nam cầu Hiền Lương sơn màu xanh, nửa còn lại màu gỉ sắt. Nhiệm vụ của bà Hương và đồng đội là cạo gỉ sắt rồi sơn màu cho cầu Hiền Lương thành một khối thống nhất.
"Khi ta sơn cầu cùng một màu, chính quyền miền Nam lại sơn nửa cầu kia sang màu khác, cầu cứ thế thay đổi màu sắc liên tục. Cuộc đấu tranh bằng màu sắc cầu này vô cùng cam go. Hễ địch tạo ra 2 màu đối lập, ta lập tức sơn để cầu trở thành một màu chung, nhằm nói lên khát vọng thống nhất đất nước", bà Hương chia sẻ thêm.
"Cuộc chiến" màu sơn kéo dài đến năm 1960 thì được giữ nguyên 2 màu xanh - vàng, ranh giới giữa 2 phần cầu là một vạch trắng kẻ ngang. Năm 1967, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập.
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải được dựng lại vào một năm sau đó.
Sau ngày nước nhà thống nhất, bà Hương tiếp tục công tác thêm mấy năm nữa rồi về hưu, sinh sống tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Với bà Hương, "cuộc chiến" màu sơn và những câu chuyện ở đôi bờ Hiền Lương mãi là ký ức không bao giờ quên.
Năm 2014, tỉnh Quảng Trị phục hồi 2 màu sơn cho cầu Hiền Lương như thời kỳ đất nước chưa thống nhất, nhằm nhắc nhớ, khắc ghi về khát vọng thống nhất, toàn vẹn non sông.
Chọi cờ, đấu âm thanh 2 bờ giới tuyến
Ngoài cuộc đấu tranh hòa bình bằng màu sơn cầu Hiền Lương, giai đoạn 1954-1964, tại vĩ tuyến 17 còn có những cuộc đấu tranh khác không kém phần cam go, căng thẳng. Trong đó không thể không nhắc đến cuộc đấu cờ hay còn gọi là chọi cờ và cả "cuộc chiến" âm thanh.
Ông Nguyễn Văn Quảng, trú thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là một trong những nhân chứng của cuộc đấu tranh diễn ra ở 2 bờ giới tuyến. Ôn lại những năm tháng lịch sử, ông Quảng, cho hay, sau Hiệp định Geneva, bên cạnh bảo vệ giới tuyến, công tác tuyên truyền, địch vận được ta triển khai rất quyết liệt.
Để tuyên truyền, động viên nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước, kêu gọi những người lầm đường lạc lối ở bên kia chiến tuyến trở về với cách mạng, quân ta đã xây dựng một hệ thống loa phóng thanh lớn, phát các chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, đài Vĩnh Linh, ca nhạc, kịch nói, dân ca… cổ động tình yêu nước và khát vọng thống nhất non sông.
Phía bờ Nam, địch cũng dựng hệ thống loa có công suất lớn hơn, không ngừng xuyên tạc lịch sử, tung hô chính quyền miền Nam Việt Nam.
"Các loa phát cả ngày lẫn đêm, 2 bên liên tục nâng cao công suất loa để đấu âm thanh. Cuộc đấu cứ thế dai dẳng tận năm 1965 mới thôi", ông Quảng nhớ lại.
Tại vĩ tuyến 17, chuyện chọi cờ giữa 2 bên chiến tuyến cũng là câu chuyện được các cựu chiến binh và người dân 2 bờ Bến Hải kể lại nhiều nhất.
Ông Hoàng Nghi, nguyên Đội trưởng Đội Dân quân du kích thôn Hiền Lương, nhớ lại dịp kỷ niệm 9 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945 - 2/9/1954), đồn Công an Hiền Lương đã dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12m.
Lúc này, phía bờ nam, địch cắm cột cờ cao 15m. Không chịu thua, các chiến sĩ của ta lại lặn lội lên rừng, tìm được cây gỗ cao 18m về làm cột cờ. Chỉ mấy tháng sau, chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây dựng cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m.
Tháng 7/1957, khi ta dựng cột cờ cao 34,5m, địch vội vàng tôn cột cờ lên 35m. Cuối cùng, chúng phải chịu thua khi ta tiếp tục nâng chiều cao cột cờ lên 38,6m vào năm 1962.
"Khi Mỹ triển khai máy bay ném bom phá hoại miền Bắc, đánh phá Vĩnh Linh, cột cờ của ta trở thành mục tiêu của địch và nhiều lần bị đánh gãy. Thế nhưng, với ý chí kiên cường, quân ta nhiều lần dựng lại cột cờ, như một lời khẳng định cho ý chí bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", ông Hoàng Nghi nói.
Biểu tượng của khát vọng hòa bình và thống nhất non sông
Về Quảng Trị hôm nay, trong hòa bình, thống nhất, ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay trên kỳ đài giới tuyến Hiền Lương, thế hệ trẻ càng biết ơn cha ông, thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Không còn cảnh hoang tàn vì bom đạn chiến tranh, đôi bờ Hiền Lương ngày nay là những cánh đồng lúa trải dài, những làng quê trù phú. "Vành đai trắng" năm xưa đã nhường chỗ cho khung cảnh yên bình, phát triển.
Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải không chỉ là điểm đến tri ân mà còn là hiện thân, nơi hội tụ của khát vọng hòa bình, thống nhất non sông; địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Cụm Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1986 và trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
Hàng năm, vào ngày 30/4, đây là nơi diễn ra Lễ hội Thống nhất non sông với nhiều nội dung hấp dẫn, có ý nghĩa lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục, phát huy truyền thống đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc.
Tại Cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Hiền Lương - Bến Hải, bên cạnh những chứng tích chiến tranh, nhiều công trình gắn liền với lịch sử đã được phục dựng; các hiện vật, hình ảnh được đưa ra trưng bày để người dân và du khách tham quan.
Mỗi công trình, hiện vật tại đây đều mang những giá trị lịch sử khác nhau, gợi nhớ về một thời đau thương nhưng hào hùng của đất nước.
Trong đó, Kỳ đài Hiền Lương là một trong những công trình nổi bật, đây là công trình mô phỏng cột cờ của chính quyền cách mạng đã dựng ngày trước, được làm bằng ống thép, phía trên cùng là lá cờ Tổ quốc cỡ lớn.
Ngoài những công trình trên thì tại Cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Hiền Lương - Bến Hải còn có tượng đài "Khát vọng thống nhất", nhà trưng bày vĩ tuyến 17, nhà liên hợp... là nơi ghi dấu ấn trong lòng du khách.