1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hành trình giải cứu thai nhi bị phá bỏ ở tuần thai 31

Nhóm tình nguyện đã phát hiện ra thai nhi ở một điểm tập kết rác cách Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khoảng 4km.

Anh Minh Tinh (sinh năm 1987), trưởng nhóm tình nguyện Bảo vệ sự sống thai nhi Việt là một trong những người trực tiếp phát hiện và giải cứu Bình An - thai nhi bị phá bỏ ở tuần thai thứ 31.

Anh cho biết, khoảng 19h30’ tối 4/7, khi đang vòng quanh các con đường có nhiều phòng khám sản tư ở Hà Nội, anh và 2 thành viên khác phát hiện một túi bóng đen ở điểm tập kết rác cách Bệnh viện Xanh Pôn khoảng 4km. Túi gói hở, được đặt dưới chân thùng rác, bên trong có vật gì đó đang cựa quậy.

Nhóm tiến lại gần và phát hiện một bé trai sơ sinh nằm trong túi, lẫn kèm là một số vật tư y tế. Bé còn thở, khóc nhẹ, tuy nhiên cả cơ thể tím tái, dấu hiệu sự sống rất yếu ớt. Dây rốn của em bé đã được cắt, máu từ dây rốn rỉ loang ra vùng bụng dù được buộc lại bằng chỉ để cầm máu.

Nhận định đây là trường hợp vừa bị nạo phá, các anh ôm lấy bé, ủ ấm và gọi taxi để đưa em bé lên bệnh viện cấp cứu. Trên xe, nhóm tiến hành bóp bóng, ấn ngực giúp con hô hấp; hà hơi, đẩy sạch các dịch ở mũi miệng và búng vào lòng bàn chân để con khóc.

Anh Minh Tinh cho biết, các anh luôn mang theo thiết bị bóp bóng và khăn lau bên người để sơ cứu cho các con khi cần thiết. Kinh nghiệm từng làm trong ngành y đã giúp anh rất nhiều trong việc thực hành và hướng dẫn lại cho anh em.

Hành trình giải cứu thai nhi bị phá bỏ ở tuần thai 31 - 1

Bé Bình An thời điểm được đưa vào cấp cứu tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

 

Sau khoảng 20 phút di chuyển, em bé được đưa vào Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để cấp cứu. Lúc này, bé đã rất yếu, ngừng tim, ngừng thở, tình trạng vô cùng nguy kịch.

Trong quá trình chờ đợi cấp cứu, nhóm đặt tên bé là Nguyễn Bình An với hy vọng con sẽ bình an, “tai qua nạn khỏi”.

Nhóm thiện nguyện Bảo vệ sự sống thai nhi Việt có 12 thành viên chính, thành lập cuối năm 2013. Đây là nhóm tự phát, mong muốn các thai nhi không may mắn bị nạo phá được chôn cất, có một ngôi mộ thay vì bị vứt bỏ ở thùng rác, cống rãnh hoặc cứu sống các con nếu còn hy vọng.

Anh Minh Tinh chia sẻ, 7 năm làm công việc này, nhóm đã cứu sống khoảng 100 em bé sơ sinh và chôn cất từ 700-800 thai nhi mỗi tháng.

Khi nhìn thấy Bình An, các anh đã có một niềm tin rất lớn rằng con sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuyến phố nơi phát hiện Bình An là địa điểm nhóm thường xuyên tìm thấy, đưa đi cấp cứu hoặc chôn cất rất nhiều thai nhi bị nạo phá.

Có những thai nhi chưa hoàn thiện hình hài, có những bé đã lớn. Nhiều em không còn nguyên vẹn do bị động vật giằng xé; nhiều em bị cắt nát tay chân, thân thể ngay trong bụng mẹ. Cũng có những bé sinh ra với hình hài như Bình An nhưng phát hiện muộn nên đã qua đời, chỉ có thể đem về tắm rửa, chôn cất.

“Nhìn thấy bé vẫn còn nguyên vẹn và có dấu hiệu của sự sống, chúng tôi thực sự rất hạnh phúc”, anh Minh Tinh nói.

Cũng theo anh, Bình An may mắn hơn nhiều trường hợp tương tự bởi con đã được cắt rốn, lấy chỉ buộc lại để cầm máu. Rất có thể, phòng khám biết có nhóm giải cứu thai nhi và mong con được cứu sống.

Hành trình giải cứu thai nhi bị phá bỏ ở tuần thai 31 - 2

Bình An tại Khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chiều 11/9

 

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng Khoa Sơ sinh chia sẻ, ngay khi tiếp nhận, kíp cấp cứu đã lập tức đặt nội khí quản, cho bệnh nhi thở máy, đồng thời bơm thuốc hỗ trợ hô hấp vào phổi. Sau đó, em bé được theo dõi huyết áp, nuôi dưỡng tĩnh mạch, cho sử dụng kháng sinh và truyền các loại thuốc khác.

Ông Giang nhận định, Bình An nặng 1.6kg khi nhập viện, tương đương sinh ở tuần thứ 31, thiếu khoảng 8 tuần thai. Việc sinh non, lại chào đời bằng biện pháp nạo phá khiến bé diễn tiến rất nặng, ngừng tim, ngừng thở thời điểm nhập viện. Tuy nhiên, bé đã may mắn đáp ứng điều trị tốt và dần qua cơn nguy kịch.

Bình An trải qua hơn 1 tháng sử dụng các loại máy thở cao tần, máy thở thường, thở hỗ trợ áp lực và thở oxy. Đồng thời, bé được cho dùng kháng sinh liên tục trong vòng 5 tuần để cải thiện tình trạng nhiễm trùng rất nặng.

Đến 2 tuần gần đây, bé đã có thể tự thở, tỉnh táo, hồng hào, tự bú, nặng 2.6kg. Các bác sĩ cho biết, sự hồi phục của Bình An là điều “cực kỳ may mắn”, bởi những trường hợp tương tự khó có khả năng cứu sống, chưa kể quãng thời gian thở máy kéo dài cũng rất nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé.