1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hành trình đi tìm lại pho tượng bị đánh cắp trong ngôi chùa cổ

(Dân trí) - Tượng Cô Bơ trong ngôi chùa cổ ở Hà Nội từng bị đánh cắp nhiều năm bất ngờ được người dân cho rằng đang ở trong ngôi đền lớn ở Thái Bình. Công an đã vào cuộc để làm rõ vụ việc nhưng chưa thể mang pho tượng đi giám định vì “vướng” lễ nghi (!).

Hành trình đi tìm lại pho tượng bị đánh cắp trong ngôi chùa cổ - 1

Pho tượng Cô Bơ ở chùa Chúc Lý trước thời điểm bị đánh cắp vào năm 2013.

Xuất hiện pho tượng “sinh đôi” ở nơi xứ lạ?

Thời gian vừa qua, sư bác Thích Đàm An - đại diện chùa Chúc Lý, thuộc địa bàn xã Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) liên tục gửi đơn tới các cơ quan chức năng với mong muốn tìm lại pho tượng của nhà chùa bị kẻ gian lấy đi đã nhiều năm.

Theo lời sư bác Đàm An, hồi tháng 6/2013, nhà chùa hốt hoảng phát hiện pho tượng Cô Bơ thờ ở cung Mẫu trong chùa bị đánh cắp. Đây là pho tượng làm bằng thạch cao, thếp bạc và cao khoảng 80 - 90 cm, được bà Đặng Thị Khảm (trú tại Chương Mỹ) cung tiến.

“Phát hiện pho tượng bị lấy trộm, nhà chùa đã làm đơn trình báo chính quyền sở tại. Ở thời điểm đó, các phật tử kể rằng có vài thanh niên đi xe máy biển số tỉnh Thái Bình có ghé vào thăm chùa, gửi “nén nhang, giọt dầu”. Khi nhóm người này rời đi, tượng Cô Bơ cũng “tình cờ” biến mất” - sư bác nhớ lại và cho biết, nhiều năm sau đó, nhà chùa không nhận được phản hồi từ lực lượng chức năng về quá trình điều tra vụ việc.

Cũng theo sư bác Thích Đàm An, kể từ ngày tượng Cô Bơ bị đánh cắp, khách thập phương ghé thăm chùa Chúc Lý cứ thưa thớt dần.

Đồng thời, người dân địa phương cũng ít lui tới chùa để hương khói mà thay vào đó, mọi người lặn lội đi đến phủ tư gia của ông N.X.H., trú tại thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) để cúng lễ.

“Khoảng 3 năm sau khi nhà chùa bị mất trộm, mọi người biết được có pho tượng Cô Bơ được thờ tự tại nhà ông H. nên thường về đó. Ai đến nhà ông H. đều cho hay, nhìn bằng mắt thường cũng thấy pho tượng ở Thái Bình là pho tượng “sinh đôi” với tượng Cô Bơ mà nhà chùa đã bị mất” - sư bác Đàm An kể.

Trước thông tin ở Thái Bình có pho tượng Cô Bơ với vẻ ngoài “tương đối giống” pho tượng bị mất, đại diện chùa Chúc Lý cùng người dân tức tốc về nhà ông H. để tìm hiểu.

Do ông H. không có nhà, mọi người được mẹ của ông này kể lại về nguồn gốc pho tượng đang được gia đình bà sở hữu.

“Bác ấy nói tượng không phải của nhà mà do có người ta cung tiến, con bà thấy vậy đã thờ khoảng 3 năm ở điện tư gia. Đón tượng về là sơn son, thếp vàng lại” - sư bác Đàm An cho hay.

Sau khi tận mắt chứng kiến pho tượng “sinh đôi” đang được thờ tự tại nhà ông H., đại diện chùa Chúc Lý cùng mọi người liền trình báo vụ việc đến cơ quan chức năng ở thị trấn An Bài.

Vậy nhưng, theo phản hồi của lực lượng chức năng địa phương này, ở thời điểm tiếp nhận thông tin của nhà chùa, “Đền Cô Bơ” đang thờ tự… một tấm ảnh, không phải là tượng (?!).

Hành trình đi tìm lại pho tượng bị đánh cắp trong ngôi chùa cổ - 2

Nhà chùa in bức ảnh tượng cô Bơ đặt rồi đặt vào vị trí cũ để tiếp tục thờ tự (Ảnh: Nguyễn Trường).

Dù đã “mắt thấy, tai nghe” nhưng trước kết luận của cơ quan chức năng, sư thầy Đàm An cùng mọi người đành ngậm ngùi đi về. Và kể từ đó, nhà chùa đối diện với những lời bàn tán của dư luận địa phương về việc “thấy tượng nhà mình mà không muốn lấy về”.

“Người dân đồn thổi như vậy mà nhà chùa không biết phải làm gì, giải thích thế nào? Chỉ biết tiếp tục chờ đợi kết luận từ công an nhưng gần 6 năm không thấy họ thông tin gì” - sư bác Đàm An thổ lộ.

Muốn giám định phải… cúng Thánh đoàng hoàng

Hồi tháng 7 vừa qua, sư bác Thích Đàm An lại tiếp nhận được thông tin từ người dân về việc tại nhà ông H. đã xuất hiện trở lại một pho tượng có bề ngoài giống với tượng Cô Bơ mà nhà chùa bị đánh cắp.

Trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) xác nhận, đơn vị đã tiếp nhận trình báo của nhà chùa và đang xác minh, làm rõ thông tin nêu trên.

Để làm rõ nghi vấn pho tượng của chùa Chúc Lý bỗng xuất hiện ở nhà ông H., ngày 25/9, Công an huyện Chương Mỹ, sư bác Thích Đàm An cùng luật sư… đã có mặt tại nơi này.

Ở thời điểm lực lượng công an kiểm tra, ở chính giữa ngôi nhà ông H. có pho tượng khá giống tượng Cô Bơ từng được thờ tự ở chùa Chúc Lý.

Theo ông H. nguồn gốc bức tượng đang thờ tại nhà do khách thập phương công đức. Ông H. không biết họ đã tạc pho tượng này ở đâu.

Hành trình đi tìm lại pho tượng bị đánh cắp trong ngôi chùa cổ - 3

Công an huyện Chương Mỹ tiến hành niêm phong pho tượng ở nhà ông H. để sau này mang đi giám định (Ảnh: Nguyễn Trường).

Vì vậy, dưới sự chứng kiến của lực lượng Công an thị trấn An Bài, cán bộ Công an huyện Chương Mỹ đã tiến hành lập biên bản, niêm phong pho tượng để sau này mang đi giám định, phục vụ quá trình điều tra, làm sáng tỏ những ngờ vực của nhà chùa.

Đáng chú ý, ở thời điểm đó, ông H. nói pho tượng đang được ông thờ tự “yên ngôi chính vị” rồi. Muốn đem pho tượng này đi giám định thì phải có “lễ Tam sinh”.

“Rước đi thế nào, khi rước về cũng phải có lễ nghi như thế. Phải có voi, ngựa… nón, hài, thuyền mã dâng cô. Rồi tiền vàng, hoa quả, lễ chay lễ mặn. Phải cúng Phật, cúng Thánh đàng hoàng mới được rước ra” - ông H. yêu cầu.

Mới đây, theo đơn trình báo gửi lực lượng chức năng, đại diện chùa Chúc Lý cho hay, tại nhà ông H. có thờ 2 pho tượng Cô Bơ giống hệt nhau.

“Một pho tượng được thờ ở cung ngoài (gian nhà ngoài - PV), đã bị cơ quan công an niêm phong. Riêng pho tượng còn lại thờ trong cung cấm. Chỗ này rất ít người được vào, trừ những người thân thiết với ông H.” - đại diện nhà chùa thông tin thêm.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, pho tượng Cô Bơ vẫn được niêm phong tại “nhà thờ họ” của ông H. mà chưa thể mang đi giám định do “vướng” lễ nghi mà ông H. đưa ra.

Qua tìm hiểu, Đền Cô Bơ nơi ông H. sinh sống được đầu tư, xây dựng rất bề thế, cách trụ sở nhiều cơ quan hành chính của thị trấn An Bài khoảng 1 km.

Sau khi qua “cổng Tam quan” cao sừng sững treo tấm biển “PHỦ THỜ THÁNH CÔ BƠ THOẢI”, sẽ bắt gặp tòa nhà có tên là “AN BÀI LINH TỪ - ĐỀN CÔ BƠ”.

Trong nhà, nhiều pho tượng đang an vị trong lầu son được trạm khắc tinh xảo, xung quanh là những mâm lễ, bát hương… bài trí chật kín khắp lối đi.

Một lãnh đạo UBND thị trấn An Bài xác nhận, những năm gần đây, tại tư gia nhà ông H. có dấu hiệu trục lợi tâm linh dù khi xây dựng cơ sở này, ông H. cho biết chỉ làm “nhà thờ họ”.

“Nơi đó vừa là nhà ở, vừa là nhà thờ họ nhưng có đủ các loại tượng rồi các thứ… xem bói, xem quẻ. Nói chung là biến tướng. Chúng tôi đã có bản cam kết rồi, quy trình hoạt động nơi này thế nào, địa phương sẽ nắm lại rồi từng bước sẽ dẹp thôi” - vị lãnh đạo này khẳng định.

Nguyễn Trường