Thanh Hóa:
Hàng vạn nông dân bỏ ruộng vì “suốt ngày ngoài đồng mà không có tiền”
(Dân trí) - Từ nhiều năm trở lại đây, tại Thanh Hóa, một nghịch lý đang diễn ra là người nông dân quay lưng lại với ruộng đất ngày một nhiều. Theo thống kê, hiện Thanh Hóa đã có hơn 10.500 hộ nông dân bỏ ruộng, trả ruộng không canh tác...
Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho thấy, tình trạng nông dân trả ruộng, bỏ ruộng đáng báo động. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện, thị xã, thành phố xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng, như Nông Cống, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, TP Thanh Hóa...
Tổng số diện tích đất nông dân trả lại hoặc bỏ hoang là hơn 1.100 ha. Phần lớn trong tổng số diện tích đất không được tổ chức sản xuất là đất được Nhà nước giao ổn định lâu dài cho các hộ gia đình.
Số hộ dân bỏ ruộng đất đông và nhiều nhất phải kể đến huyện Hậu Lộc. Trong đó xã Tiến Lộc là một trong những xã tiêu biểu nhất, khi có đến gần 800 hộ dân bỏ làm ruộng. Qua tìm hiểu thì xã Tiến Lộc là một xã có làng nghề rèn truyền thống, mang lại thu nhập khá cao và ổn định cho người dân. Trước đây, người dân xã Tiến Lộc vẫn canh tác và sản xuất bình thường. Những năm gần đây, làng nghề rèn truyền thống ngày một phát triển, các công ty, xưởng cơ khí mọc lên thu hút một lượng lớn lực lượng lao động.
Với mức thu nhập ổn định khoảng 150.000đ/ngày công, trung bình mỗi tháng nếu làm đầy đủ họ cũng đã được trên dưới 4 triệu đồng. Con số đó đem so sánh với hiệu quả từ việc làm ruộng thì quá chênh lệch. Nếu tính chi li thì mỗi vụ lúa, trừ đi phân bón, thuốc cỏ, công cán… thì mỗi sào cũng chỉ lãi mấy trăm nghìn đồng, đó là còn chưa kể đến vụ nào mất mùa thì coi như tay trắng.
Anh Kiều Văn Tú, thôn Ngọ, xã Tiến Lộc, cho biết: “Những người dân trong làng bỏ làm ruộng vì thu nhập không cao, không ổn định, lại vất vả suốt ngày ngoài đồng. Từ khi tôi đi làm cơ khí, thu nhập ổn định hơn, lại có tiền mang về cho gia đình. Bây giờ không chỉ gia đình tôi mà nhiều người đã bỏ làm ruộng”.
Ban đầu số hộ dân bỏ ruộng ít, họ đã khoán hoặc cho những hộ dân khác thuê đất để làm, nhưng dần dần số hộ bỏ ruộng ngày một nhiều hơn, những người đi làm hộ ruộng cũng thấy thu nhập bấp bênh nên cũng bỏ dần. Thậm chí có gia đình còn cho không ruộng, ai thích thì đến làm những vẫn không có người nhận.
Để giải quyết vấn đề trên, các cấp chính quyền đã nhiều lần động viên, khuyến khích người dân đi làm đồng lại, tuy nhiên số người tham gia lại rất ít. Ông Hoàng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc nói: “Tình trạng người dân bỏ ruộng, trả ruộng diễn ra cách đây khoảng 3 năm. Mặc dù xã cũng đã khuyến khích người dân đi làm ruộng lại nhưng số hộ tham gia rất ít. Thậm chí xã còn khuyến khích người dân xã lân cận, bằng cách giải phóng đất nông nghiệp, cày bừa miễn phí, người dân chỉ việc đến làm, nhưng người dân vẫn không đến làm”.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng, ban hành cơ chế quản lý giá vật tư, nông sản kể cả đầu vào và đầu ra thích hợp, đảm bảo cho người nông dân sản xuất có thu nhập. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ sản xuất, tập trung vào xúc tiến thương mại, hỗ trợ cơ sở vật chất, tích tụ ruộng đất, đào tạo nghề nông thôn.
Tình trạng người dân không còn mặn mà với ruộng đất có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do mức thu nhập không tương xứng với công sức bỏ ra; sự chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; điều kiện sản xuất ở một số vùng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân liên quan đến chính sách giao đất nông nghiệp từ trước đây như việc giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho hộ từ năm 1993 còn manh mún, xen kẽ, khó canh tác, khó đầu tư thâm canh.
Một nguyên nhân nữa là ở một số địa phương, việc đóng góp nhiều loại phí được tính theo đầu sào (bảo vệ đồng ruộng, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương...) nên nhiều hộ đã chủ động bỏ ruộng hoặc trả ruộng để giảm bớt các khoản đóng góp theo quy định của địa phương.
Vấn đề nông dân bỏ ruộng, trả ruộng là một trong những vấn đề được bàn luận tại kỳ họp thứ 8, khóa XVI, HĐND tỉnh Thanh Hóa. Đã có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề này, hầu hết các đại biểu đều yêu Sở NN&PTNT trả lời rõ những nguyên nhân, chỉ ra phương án khắc phục; hướng giải pháp xử lý. Đại biểu Vũ Duy Hoàng đặt ra câu hỏi: Nông dân trả ruộng, bỏ ruộng, đây có phải là trong quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra hiện nay hay không?
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT đã trả lời và đưa ra số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng là do điều kiện sản xuất khó khăn; đầu ra đầu vào để sản xuất có sự chênh lệch cao; một phần nông dân bỏ ruộng để đi rìm kiếm những việc làm tốt hơn. Đồng thời, đại diện Sở NN&PTNT cũng mong muốn sẽ có sự chung sức, chung lòng của các cấp ban ngành vào cuộc, đồng thời là sự đồng thuận của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Ấp, Bí thư huyện Hậu Lộc cho rằng, các phương án đưa ra đều không mấy khả quan. Ông Ấp lý giải: “Thực tế, chính quyền địa phương, các cấp ban cũng đã nhiều lần đứng ra vận động, thuyết phục người dân tham gia sản xuất lại. Nhưng đều không đạt được kết quả cao. Nếu tiến hành thu hồi lại diện tích đất đó thì sẽ xử lý nó như thế nào? Việc cho doanh nghiệp thuê lại vào đầu tư khai thác diện tích đất đó không mấy khả qua khi diện tích đất ruộng mà người dân bỏ hoang, trả ruộng lại toàn ở những nơi sản xuất khó và không tập trung”.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đã nhận trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ…chưa quyết liệt; nhiều đơn vị cấp cơ sở làm chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng hạn hán, sâu bệnh…phá hoại mùa màng gây thiệt hại cho sản xuất; việc nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến còn chậm; chưa đề xuất, tham mưa kịp thời cho UBND tỉnh những giải pháp có tính chiến lược, đồng bộ trong việc giải quyết tình trạng nông dân bỏ ruộng.
Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa thì các giải pháp để khắc phục tình trạng này hiện nay chủ yếu là tuyên truyền vai trò và tầm quan trọng của đất đai với sản xuất nông nghiệp; vận động nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa; tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Văn Tuyên - Thái Bá