1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng trăm tỷ đồng "bán không khí" còn mắc kẹt chưa thể giải ngân

Nhật Anh

(Dân trí) - Gần 300 tỷ đồng tiền chi trả tín chỉ carbon đã được chuyển về cho 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Tuy nhiên, nhiều chủ rừng vẫn chưa thể chi trả cho cộng đồng bảo vệ rừng vì vướng quy định.

Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (Quảng Trị) quản lý 21.000ha rừng, trong đó hơn 11.000ha rừng tự nhiên, được chi trả tiền tín chỉ carbon.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, cho hay năm 2023, đơn vị nhận được 1,5 tỷ đồng tiền tín chỉ carbon. Tuy nhiên, do vướng mắc quy định của Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2022 của Chính phủ (NĐ 107), đến nay số tiền trên đang "mắc kẹt", chưa thể chi trả cho cộng đồng.

Hàng trăm tỷ đồng bán không khí còn mắc kẹt chưa thể giải ngân - 1

Tỉnh Quảng Trị có gần 126.700ha rừng được chi trả tín chỉ carbon, nhận về hơn 50 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025 (Ảnh: Nhật Anh).

Theo NĐ 107 về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Trong đó có quy định "không chi chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước". Đây chính là "điểm nghẽn" dẫn đến nhiều đơn vị nhận tiền chi trả tín chỉ carbon nhưng chưa thể giải ngân.

Theo ông Hùng, đa số diện tích rừng tự nhiên ở Quảng Trị đã được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để bảo vệ. Do vậy, nếu chi thêm tiền tín chỉ carbon sẽ chồng chéo, vi phạm quy định của NĐ 107.

"Để hỗ trợ các thôn, bản ở gần rừng và tham gia công tác bảo vệ rừng, chúng tôi đã lập phương án chi 50 triệu đồng cho mỗi thôn, bản để mua sắm công trình phúc lợi cộng đồng, công trình lâm sinh, trồng cây bản địa… nhưng phương án này vẫn chưa được duyệt", ông Hùng chia sẻ.

Hàng trăm tỷ đồng bán không khí còn mắc kẹt chưa thể giải ngân - 2

Do vướng quy định, nhiều đơn vị chưa thể giải ngân tiền từ tín chỉ carbon (Ảnh: Nhật Anh).

Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Trị cho biết, gần 126.700ha rừng của tỉnh này được chi trả tín chỉ carbon, nhận về hơn 50 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025.

Tại Quảng Bình, nhiều công ty, chủ rừng đang "đau đầu" vì chưa thể chi trả tiền tín chỉ carbon. Địa phương này có 11.411 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 23 chủ rừng là tổ chức và 71 UBND cấp xã trong diện được chi trả tiền tín chỉ carbon.

Tỉnh Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên với trên 235 tỷ đồng.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình đã thực hiện chi trả với số tiền hơn 162 tỷ đồng cho các chủ rừng. Tuy nhiên, phần lớn kinh phí sau khi được chuyển về cho chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, chưa thể giải ngân do vướng quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư của NĐ 107.

Đối với chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các UBND cấp xã, việc chi trả tín chỉ carbon khá thuận lợi. 

Công ty Lâm công nghiệp Long Đại là một trong những đơn vị có diện tích rừng lớn nhất tại Quảng Bình được chi trả tiền tín chỉ carbon.

Quản lý hơn 57.000ha rừng tự nhiên, trong 2 năm 2023, 2024, Công ty Lâm công nghiệp Long Đại nhận 21 tỷ đồng tiền tín chỉ carbon. Toàn bộ số tiền này đã được chuyển về tài khoản đơn vị hơn nửa năm, đến nay chưa thể chi trả.

Hàng trăm tỷ đồng bán không khí còn mắc kẹt chưa thể giải ngân - 3

Một cánh rừng tại Quảng Bình (Ảnh: Nhật Anh).

Ngoài ra, phần lớn diện tích rừng khoán cho người dân bảo vệ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I với số tiền 400.000 đồng/ha/năm nên cũng không thể hỗ trợ thêm.

Được biết, gần 300 tỷ đồng tiền chi trả tín chỉ carbon đã được Ngân hàng Thế giới chuyển về cho 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị từ hơn nửa năm nay. Tuy nhiên, phần lớn đang "mắc kẹt" trong tài khoản của các chủ rừng.

Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc này.