Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa:

Có công ty muốn bán 10 triệu tấn tín chỉ carbon nhưng 4,9 triệu tấn bị kẹt

Thảo Thu

(Dân trí) - Chuyên gia nói về những gian nan khi làm "chính sách xanh", nhìn từ ví dụ về tín chỉ carbon với câu chuyện về quy định pháp lý, giá...

Trao đổi tại tọa đàm "Triển vọng phát triển Tài chính xanh" do VietnamFinance tổ chức mới đây, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh, khẳng định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là "mệnh lệnh chính trị" không thể chối từ.

"Phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, người tiêu dùng yêu cầu xanh hơn, an toàn hơn", ông Thành nói và cho biết 80% lượng vốn tài chính đòi hỏi phải có yếu tố về ESG mới được cấp.

Về các thách thức trong thực hiện tài chính xanh của doanh nghiệp, ông Thành nêu 3 yếu tố là chi phí chuyển đổi, áp lực từ thị trường và thể chế.

"Với các doanh nghiệp, chuyển đổi xanh là câu chuyện làm ăn, kiếm tiền. Dù muốn hay không muốn cũng phải chuyển đổi. Xã hội đòi hỏi có chữ "xanh" trong tiêu dùng. Thực trạng này tạo ra áp lực cho doanh nghiệp", ông Thành nói.

Chuyên gia nêu vướng mắc khi làm "chính sách xanh"

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE), cho biết quá trình làm "chính sách xanh" đang rất "gian nan".

Ông Nghĩa lấy ví dụ từ chính việc đo đếm tín chỉ carbon rừng đang được CODE tiến hành. Đơn vị này thực hiện cả đo máy và đo thủ công để so sánh kết quả. Nếu đo thủ công, với mỗi 1ha rừng sẽ mất 178 triệu đồng, nhân lên với 500ha mà CODE đang sở hữu thì vô cùng tốn kém.

Có công ty muốn bán 10 triệu tấn tín chỉ carbon nhưng 4,9 triệu tấn bị kẹt - 1

Một khu rừng lộc vừng tại tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Chia sẻ thêm về những vướng mắc trong quá trình phát triển thị trường tài chính carbon, ông Nghĩa cho hay, vướng mắc đầu tiên là quy định pháp lý về quy định về sở hữu tín chỉ carbon.

"Rừng thuộc sở hữu của Nhà nước, vậy thì carbon có thuộc sở hữu của Nhà nước hay không? Vừa qua, sau khi 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán tín chỉ carbon rừng cho Ngân hàng Thế giới (WB), tiền được tính cho người dân. Nhưng điều này lại không phù hợp với quy định rừng của Nhà nước", ông Nghĩa đặt vấn đề.

Bên cạnh đó là những vướng mắc liên quan đến việc triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon. Hiện tại, khi bán carbon liên tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đứng ra bán.

"Tuy nhiên, khi bán riêng lẻ thì lại tỉnh nào tỉnh đó bán. Nếu bán như vậy thì chưa thể mang lên sàn được bởi lẽ khi lên sàn, cần phải có mã và mã phải có chủ. Do đó, CODE đang đề nghị sửa đổi Nghị định 06 để có thể sớm đưa tín chỉ carbon lên sàn", ông Nghĩa thông tin.

Vướng mắc tiếp theo là vấn đề giá. "Vừa qua, chúng ta đã lần đầu tiên bán tín chỉ carbon rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ với giá 5 USD/tấn cho WB. Mức giá này khá cao nhưng WB vẫn tặng lại cho Việt Nam tới 95% để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính) theo cam kết lộ trình Net Zero vào năm 2050", ông Nghĩa cho hay.

Ông Nghĩa nêu thêm thực trạng doanh nghiệp có nhu cầu bán 10 triệu tấn tín chỉ carbon nhưng vẫn còn 4,9 triệu tấn bị "kẹt".

"Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ CODE đứng ra giúp họ mua, mặc dù số tín chỉ này chỉ còn hạn trong vòng 17 tháng. Tuy nhiên, khi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi chưa bán được vì còn nhiều quy trình liên quan đến vấn đề đấu giá như lập hội đồng, cơ quan giám sát, có người xây dựng hồ sơ kỹ thuật… Không biết khi hết hạn thì có thể bán được chưa. Tiền từ bên ngoài rất nhiều nhưng chúng ta thiếu cơ chế để tiếp cận", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Mở rộng ra câu chuyện tài chính xanh, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa đánh giá "chúng ta đang nói rất nhiều nhưng làm rất ít". Theo vị này, thực tế, các khoản tín dụng xanh và trái phiếu xanh dành cho các dự án điện gió, điện mặt trời… vẫn chỉ là những khoản cho vay hoặc đầu tư thông thường với đầy đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, lãi suất, kỳ hạn mà không có ưu tiên, ưu đãi nào.

Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh (FiinRatings), cho biết dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với tăng trưởng tín dụng chung, nhưng tín dụng xanh mới chiếm 4,32% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, cho thấy còn nhiều dư địa phát triển.

Để khai mở thị trường tài chính xanh trong nước, ông Tùng cho rằng cần yếu tố quan trọng nhất là nhận thức của nhà đầu tư và chấp nhận vấn đề "ngoại ứng". "Để thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định trên một cách hiệu quả và nhất quán", ông Tùng Anh nói.

Ngoài ra, ông Tùng Anh cũng cho rằng cần phải nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các sản phẩm tài chính xanh, đồng thời tạo ra một môi trường đủ thuận lợi cho các chủ thể phát hành và nhà đầu tư để đầu tư và phát triển các dự án tài chính xanh.

Ông cho rằng việc đưa ra các tiêu chí và quy định cụ thể về thị trường tài chính xanh là một bước đi đúng hướng, tuy nhiên cần có các cơ chế kiểm soát và giám sát để đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của thị trường. Nếu được thực hiện đúng cách, thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh sẽ không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường mà còn tạo ra các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế bền vững cho đất nước.

Có công ty muốn bán 10 triệu tấn tín chỉ carbon nhưng 4,9 triệu tấn bị kẹt - 2

Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Doanh nghiệp cần chủ động, có phương án đầu tư xanh hiệu quả

Ông Tô Trần Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), chia sẻ nếu như cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm "xanh", thì từ góc độ doanh nghiệp cũng cần sự chủ động, nghiên cứu kỹ và có phương án đầu tư xanh hiệu quả chứ không thể làm một cách bất chấp, vì tiêu chí đầu tư đầu tiên là phải có lãi.

"Ngân sách chúng ta đang bội thu, có nhiều dự án lớn khác cần dùng ngân sách, như đường cao tốc Bắc - Nam hay đường sắt Bắc - Nam sắp tới. Vậy nên khi đầu tư, dù xanh hay không xanh, tự doanh nghiệp cần có sự chủ động và cân đối", ông Hòa nói.

Chia sẻ về vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thúc đẩy tài chính xanh, ông Hòa cho biết đơn vị rất quan tâm tới vấn đề này và đã đưa vào chiến lược phát triển chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó gồm nhiều phương án phát triển tài chính xanh.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải nhà kính và sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh rất hữu ích cho doanh nghiệp tham gia thị trường này.

Có công ty muốn bán 10 triệu tấn tín chỉ carbon nhưng 4,9 triệu tấn bị kẹt - 3

Ông Tô Trần Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ảnh: BTC).

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tích cực tham gia đào tạo, tuyên truyền tới doanh nghiệp và công chúng đầu tư để họ hiểu thế nào là tài chính xanh và đầu tư công khai minh bạch khi tham gia thị trường.

Ngoài ra, với công tác thanh tra giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đảm bảo trái phiếu xanh được phát hành đúng mục đích và quyền lợi nhà đầu tư được bảo đảm.

Riêng với việc khuyến khích phát hành trái phiếu xanh, ông Tô Trần Hòa cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục đào tạo, tuyên truyền tới nhà đầu tư về việc tiếp cận vốn tài chính xanh.

Theo ông Hòa, liên quan tới việc giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp cận và được biết một số ngân hàng thương mại có nguồn vốn sẵn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, đây là một trong những tín hiệu tích cực để kỳ vọng.

Ông cũng nói thêm rằng trong hệ thống chỉ số chứng khoán hiện nay có chỉ số phát triển bền vững từ năm 2017, đồng thời thừa nhận tới nay cũng có nhiều bất cập cần thay đổi. "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nghiên cứu thay đổi để phục vụ nhà đầu tư", ông nêu.