Hàng trăm người "vá" khẩn cấp 300m bờ biển sạt lở bất thường tại Huế
(Dân trí) - Hàng trăm người đã được huy động đến khu vực bãi tắm xã Phú Thuận (tỉnh Thừa Thiên Huế) để xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bất thường do biển xâm thực.
Ngày 22/10, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp với chính quyền, người dân địa phương tổ chức xử lý tình trạng sạt lở bờ biển tại khu vực bãi tắm Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Lãnh đạo UBND xã Phú Thuận cho biết có khoảng 300 người gồm bộ đội biên phòng, các lực lượng chức năng của xã và người dân địa phương được huy động, sử dụng 2.500m2 vải lọc, 600 khối đá để gia cố các điểm sạt lở nặng.
Các lực lượng chia thành 2 nhóm, trải vải lọc, vận chuyển đá hộc để "vá" 300m bờ biển bị sạt lở. Nhiều thời điểm sóng biển dâng cao khiến công việc gia cố gặp khó khăn.
Như Dân trí đã phản ánh, trong thời gian qua, khu vực bờ biển thuộc xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 860 hộ dân địa phương.
Sáng 21/10, đường bờ biển tại khu vực bãi tắm xã Phú Thuận tiếp tục sạt lở nặng, ở những vị trí chưa được xây dựng kè chống xâm thực.
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Thuận, đây là hiện tượng bất thường bởi từ khi cửa Hòa Duân được hàn gắn (đã 23 năm), địa điểm này chưa bị sạt lở nghiêm trọng như vậy, kể cả khi xảy ra mưa bão.
Đoạn bờ biển dài khoảng 300m bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền 50-100m, phá hỏng vỉa hè, làm bật gốc cây, có nguy cơ cuốn trôi đường nội bộ bãi tắm và ảnh hưởng các nhà hàng, cơ sở kinh doanh của người dân.
Sáng 22/10, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã trực tiếp có mặt tại xã Phú Thuận để kiểm tra tình hình biển xâm thực.
Tại hiện trường, ông Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý khẩn cấp, gia cố bờ biển, ngăn chặn tình trạng biển xâm thực sâu vào đất liền để bảo đảm an toàn công trình hạ tầng, đời sống người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu trong 2 ngày phải tập trung xử lý xong các điểm sạt lở, với chiều dài khoảng 300m, khi bão Trami đang di chuyển nhanh vào Biển Đông. Sau đó, tỉnh sẽ có những phân tích, đánh giá, đưa ra phương án tổng thể về chống sạt lở cho khu vực này trong lâu dài.